Lời tòa soạn: Vừa đọc bài viết về tầm quan trọng phải dạy học sinh nắm vững kiến thức cơ bản trước khi dạy kiến thức nâng cao, chị Mai Phạm nhớ lại thuở vật vã cùng con trai chạy đua "giải toán nâng cao". Dưới đây là ý kiến của chị. Mời các bạn tham gia trao đổi về chủ đề này theo địa chỉ: [email protected]. Trân trọng cảm ơn.

******

Suốt những năm con trai bé học tiểu học, mình được chứng kiến cuộc đua rầm rộ học “toán nâng cao” của học sinh tiểu học ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, với thầy cô và cha mẹ ngày ngày lên mạng và các diễn đàn dành cho phụ huynh và giáo viên để chia sẻ và xin nhau các đề và cách giải các bài toán được gọi là “nâng cao”. Học sinh tiểu học ngoài các bài tập trong sách giáo khoa thì ngày ngày còn được các cô giáo giao cho vô số bài tập nâng cao để về làm ở nhà. Sách tham khảo, các lớp học thêm khỏi phải nói cứ gọi là rào rào phát triển.

Sau này khi tìm hiểu sâu và kỹ thêm thì hoá ra, đa phần các đề này là của các lớp trên đưa xuống cho học sinh lớp dưới (có khi dưới tới mấy lớp), ép các cháu giải để “bắt bí” - vì đã làm gì có kiến thức nền để mà giải các bài toán lớp trên. Quy trình học và giải các bài toán nâng cao kiểu ấy đa phần là thầy cô lên mạng tìm và xin nhau đề, giao cho học sinh về nhà làm. Học sinh tịt mít (vì có đủ kiến thức nền đâu mà hiểu), cha mẹ đa số vò đầu gãi tai (không phải vì không giải được mà vì không làm sao giảng cho con hiểu được), cuối cùng đành lên mạng hay các diễn đàn xin cách giải rồi đưa cho con chép vào vở - hoàn thành cái gọi là học và làm toán nâng cao.

Một số cha mẹ rỗi rãi có trình độ cao hơn thì tìm các sách tham khảo để về nghiên cứu rồi tìm cách giảng cho con (mình ngưỡng mộ và cảm phục số cha mẹ này vô cùng, nhưng bắt chước làm thế thì chịu).

Bạn bé nhà mình khi ấy dù mẹ đã tìm cách che chắn hết sức nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc đua học “toán nâng cao” toàn xã hội kiểu ấy. Hàng tuần đều có rất nhiều bài tập “nâng cao” được cô giao cho học sinh về nhà làm.
Mẹ kém toán bó tay đã đành, bố là tiến sĩ một ngành KHTN ngày xưa rất giỏi toán mà cũng vò đầu bứt tai vì không biết làm sao để giảng cho một bạn bé chưa đủ kiến thức nền hiểu và giải được bài toán nâng cao kiểu “đại nhảy vọt” như thế. Không riêng gì bố cháu, có lần trên facebook, PGS TS. Nguyen Xuan Hoai, một cựu học sinh chuyên toán có lần cũng phải than “Sao toán lớp 5 bây giờ khó thế này hở Trời!”.

Bà ngoại sốt ruột với tình hình của thằng cháu nên tìm cách tự giải quyết bằng cách lúc thì nhờ hẳn một cô hiệu trưởng tiểu học đang nghỉ dưỡng thai gần nhà sang kèm cháu 1-2 tiếng, sau đó thì gửi cháu sang bà giáo về hưu hàng xóm để giúp cháu giải quyết số bài tập “nâng cao” của nợ này.

Mẹ lúc ấy cũng chán vì lâu lâu lại đến xin cô tha cho cháu không phải làm bài tập nâng cao mà cứ được vài hôm là cô quên, lại giao như cũ và nếu con thiếu bài tập về nhà là bị cô gọi điện thoại “phê bình nghiêm khắc” - thế là thôi thì kệ cho bà cháu giải quyết vụ bài tập với nhau, miễn sao đủ bài tập nộp cho cô hàng ngày là được, mẹ còn lo vụ tìm trường ĐH cho thằng anh lớn đã.

Vấn đề bài tập nâng cao tạm coi như ổn, thế nhưng có lần mẹ về sớm sang nhà bà giáo hàng xóm để đón con thì thấy cả bà (giáo viên tiểu học mới về hưu ít năm - có nghĩa là kiến thức của bà chưa cũ) và ông (là một giáo sư đang giảng dạy ở một trường ĐH) chụm đầu vào để giải một đề toán nâng cao kiểu như vậy của thằng cu Tí mà cuối cùng cả ông và bà đều bó tay thì... sức chịu đựng của mẹ cháu đã cạn. Quyết định tìm một ngôi trường mới để con không bị ép phải làm những bài toán nâng cao kiểu ấy, dù trường con đang học năm nào cha mẹ và học sinh cũng phải xếp hàng mới xin và thi được vào - thật may mắn là mình đã tìm được một ngôi trường như vậy, nơi con được là chính con, một cách tự nhiên và nhẹ nhàng nhất.

Tuy thế, những hậu quả của toán “nâng cao” kiểu phản giáo dục như vậy ở cấp tiểu học không dễ bị xoá nhoà. Bạn bé nhà mình đã trở nên rất sợ môn toán, nỗi sợ này đã khiến con trầy trật đánh vật với môn toán thêm một thời gian nữa ở cấp 2.
Rất may là điểm yếu này của con được các thầy cô ở trường mới rất thông cảm và hỗ trợ, nhất là con không còn bị áp lực phải học quá mức tải của con như ở tiểu học. Học vừa tầm đã khiến con trở nên tự tin hơn, không chỉ trong môn toán mà cả những môn khác nữa.

Hôm nay ngồi nghĩ tới cuộc đua toán nâng cao của những năm ấy mà vẫn thấy vã mồ hôi vì kinh sợ. Không biết trong số cả triệu học sinh tiểu học những năm đó bị lôi vào cuộc đua học và giải “toán nâng cao”, cho đến ngày hôm nay có bao nhiêu cháu đã trở thành thần đồng toán học, và bao nhiêu cháu đã trở nên sợ hãi môn toán có khi đến cuối đời. Và không biết cái cuộc đua ấy tới giờ này đã giảm nhiệt phần nào hay chưa.

Có một điều rất cơ bản, đó là học gì thì học, mọi thứ cần phải được thực hiện một cách tuần tự và khoa học, với việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng phải phù hợp với từng cấp độ nhất định. Chưa có kiến thức nền thì làm sao làm nổi bài tập tương ứng. Một điều đơn giản và cơ bản như vậy mà sao người ta không thể hiểu được để làm khổ biết bao nhiêu trẻ con và khiến cho chúng trở nên sợ hãi việc học.

Giáo dục một đứa trẻ cũng giống như trồng cây. Bất kỳ một người làm vườn có kinh nghiệm nào đều hiểu rằng bón quá nhiều phân khi cây còn non thì chỉ làm cây bị thui chột. Tương tự như vậy, không có thần đồng hay thiên tài nào có thể được đúc ra theo kiểu “học nâng cao” đốt cháy giai đoạn như vậy.