Outsourcing1.jpg

Xuất khẩu phần mềm sang Nhật:

Cách đây đúng 3 năm (9/2005), Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) lần đầu tiên đưa ra chiến lược khai thác thị trường phần mềm Nhật, kêu gọi Chính phủ và các DN tập trung vào thị trường này. Mục tiêu của Vinasa cho năm 2008 là 140 triệu USD, và đạt 400 triệu USD vào năm 2010 với mức tăng trưởng hàng năm 60%.

Ba năm sau lời hiệu triệu của Vinasa, từ vài công ty làm gia công phần mềm (GCPM) cho Nhật vào thời điểm đó đến nay đã có khoảng 50 công ty. Đáng chú ý, công ty phần mềm FPT (FPT Software) đạt doanh số 15 triệu USD từ thị trường Nhật vào năm ngoái và dự kiến tăng lên 28 triệu USD trong năm nay. Tính trên cả nước, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) (6-7 DN ở Hà Nội và hơn chục DN ở TP. HCM) có quy mô trên 100 nhân viên làm GCPM cho Nhật.

Một số DN ước tính Việt Nam hiện chiếm khoảng 2% trong số 30 tỷ USD các DN Nhật thuê gia công phần mềm ra nước ngoài. Con số này rõ ràng còn xa mục tiêu Vinasa đặt ra với thị trường Nhật cho năm 2008 là 140 triệu USD.

Làm thế nào để thúc đẩy GCPM cho thị trường Nhật là câu hỏi báo BĐVN đặt ra với lãnh đạo Vinasa và các DN  Việt Nam đang làm GCPM cho thị trường này, nhân dịp kỷ niệm 35 quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2008).

xuat-khau-phan-mem-2.jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa:

"Xuất khẩu phần mềm sang Nhật của Việt Nam hiện đang tăng khoảng 40-50%/năm. Để duy trì được tốc độ này trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực. Đào tạo nhân lực cho thị trường Nhật đã có chuyển biến mạnh sau khi đại học FPT đưa tiếng Nhật vào giảng dạy với quy mô hàng ngàn người mỗi năm và ĐHBK bắt đầu dạy CNTT bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, số đó là chưa đủ.

Sắp tới, với dự án 1 triệu USD hỗ trợ từ Chính phủ Đan Mạch, Vinasa sẽ nghiên cứu kỹ về chiến lược phát triển nhân lực CNTT. Quan điểm của Vinasa là tạo ra quy mô hàng triệu kỹ sư CNTT trong vòng 10-15 năm tới. Chỉ có cách như vậy, Việt Nam mới có thể tiến xa trong lĩnh vực GCPM.

Bên cạnh đó, cần tìm cách để Việt Nam và Nhật hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), nếu chỉ nghĩ về gia công sẽ không có triển vọng. Làm phần mềm không chỉ nghĩ về việc làm cho sản phẩm không có lỗi, hay rẻ hơn vài chục phần trăm, mà cần nghĩ đến việc đưa ra ý tưởng mới gì, công nghệ mới gì để bước vào thời gian tới".

Ông Ngô Hùng Phương, Giám đốc Công ty phần mềm CSC

"Làm việc với Nhật có lợi thế là tương đồng về văn hóa. Người Nhật làm việc với Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn với người Trung Quốc vì văn hóa Nhật gần với văn hóa Việt Nam hơn. Nhưng hai khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ và khả năng tạo mối quan hệ với họ.

Thị trường Nhật rất khó tính, cần nhiều thời gian để có lòng tin của họ. Để tạo dựng tin tưởng của họ thì điều quan trọng DN cần làm là phải đầu tư văn phòng tại Nhật. Chọn người làm "onsite" (làm tại Nhật) phải biết cả ngoại ngữ và kỹ thuật, nếu không đào tạo ít nhất phải mất 2 năm mới có thể làm "onsite". Nói chung, thị trường Nhật không phải là cuộc đua nước rút, mà là đua maratông".

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh TP.HCM, Công ty NEC Solutions Việt Nam:

Vấn đề chính cản trở các công ty tăng lượng GCPM cho Nhật là nhân lực không đủ. Cách đây vài năm, các  DN Nhật ào ạt vào thị trường Việt Nam tìm hiểu nhưng nhân lực biết tiếng Nhật ít, chất lượng kém nên trào lưu chững lại. Giống như Ấn Độ giỏi tiếng Anh thì làm cho Mỹ, Việt Nam muốn đẩy mạnh thị trường Nhật phải có nguồn nhân lực lớn biết tiếng Nhật. Hiện tại, Việt Nam đang có thuận lợi là các công ty Nhật đi tìm thị trường, họ chọn Việt Nam vì có dân số trẻ, ham học hỏi, có khả năng thích hợp với CNTT. Muốn thúc đẩy GCPM cho Nhật, Chính phủ trước tiên phải đầu tư đào tạo ngôn ngữ. Việc đào tạo tiếng Nhật nên thực hiện sớm từ những năm đầu đại học, để ra trường họ có khả năng tiếng Nhật và CNTT. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho các công ty làm GCPM còn đang rất thiếu. Hiện nay chi phí thuê mặt bằng làm phần mềm ở Việt Nam đắt hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, giá thuê đường truyền ở Việt Nam quá đắt đỏ, ví dụ công ty NEC Solutions Việt Nam phải bỏ ra tới 7.000 USD/tháng để có đường truyền 1Mbps. Hơn nữa, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho các công ty PM Nhật làm gia công tại Việt Nam".

Ông Ngô Quang Tẩu, Giám đốc Công ty Run Systems

"Các công ty Nhật đã để ý đến Việt Nam. Chúng ta có lợi thế là văn hóa gần gũi với họ. Khó khăn chính là ngôn ngữ, nhân lực kém, trong khi Nhật đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao. Nhân lực làm cho thị trường Nhật đòi hỏi phải đào tạo lâu hơn, thường mất khoảng 1 năm so với một nửa năm với nhân lực làm cho thị trường Mỹ và châu Âu. Để khai thác mạnh từ thị trường này, Chính phủ phải đẩy mạnh đào tạo nhân lực CNTT, trước tiên đẩy mạnh về số lượng sau đó tăng dần về chất lượng.

Với nhân lực như hiện nay, khả năng đột phá vào thị trường Nhật là khó vì vấn đề nhân lực chưa thể giải quyết nhanh. Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan hiện là những quốc gia Việt Nam phải cạnh tranh. So với các nước này, Việt Nam hiện là nơi nhận gia công mức độ thấp, giá trị ít. Tuy nhiên, khi số lượng nhân lực đủ lớn, mức độ gia công sẽ thay đổi".

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 87 ra ngày 19/9/2008