Đông Nam Á với dân số 650 triệu người đang là "chiến trường" mới, nơi các doanh nghiệp thương mại điện tử đấu đá quyết liệt. Nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng nhanh chóng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và tỷ lệ sử dụng smartphone cao đã thổi bùng cuộc đua này.

“Nếu Ấn Độ là chiến trường lớn đầu tiên chứng kiến cuộc đối đầu giữa các đại gia thương mại điện tử Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á chắc chắn là thứ hai”, Reuters dẫn lời chuyên gia công nghệ tài chính James Lloyd thuộc EY đánh giá.

Nghiên cứu của Google và Temasek cho thấy quy mô thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á nhảy vọt từ 5,5 tỷ USD hồi năm 2015 lên 38,2 tỷ USD năm nay. Dự kiến đến năm 2025, con số này tăng gấp bốn lần lên 153 tỷ USD.

{keywords}
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á dự kiến đạt quy mô 38,2 tỷ USD trong năm 2019 và 153 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Bloomberg. 

Lazada và Shopee giành giật thị phần

Sự phổ biến của smartphone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử. Nghiên cứu của Google và Temasek chỉ ra rằng có hơn 350 triệu người dùng Internet tại 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo Tech in Asia, dữ liệu của iPrice Group và App Annie cho thấy Lazada của Alibaba sở hữu số người dùng có hoạt động hàng tháng cao nhất trong quý I tại Đông Nam Á. Lazada đứng đầu tại Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore, trong khi xếp thứ tư tại Indonesia và thứ hai ở Việt Nam.

Trong khi đó, Shopee đạt sự tăng trưởng ổn định với số người dùng có hoạt động hàng tháng nhiều nhất tại Việt Nam, thứ nhì ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Đây là nền tảng thương mại điện tử có lượt truy cập lớn nhất tại khu vực trong quý I, tăng 5% so với quý IV/2018 lên 184,4 triệu lượt truy cập.

Tăng trưởng truy cập của Shopee mạnh nhất tại Indonesia. Riêng thị trường này chiếm 40% tổng truy cập của Shopee trong quý I/2019. Trong khi đó, Lazada đứng đầu khu vực về lượt truy cập trong quý IV/2018, nhưng giảm 12% xuống còn 179,9 triệu lượt truy cập trong quý I/2019.

{keywords}
Lazada là "ông lớn" thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á, nhưng đang đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội. Ảnh: Reuters. 

Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử của Indonesia, đứng thứ ba toàn khu vực về lượt truy cập trong quý I (137,2 triệu). Nền tảng này chiếm thị phần lớn nhất tại Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất Đông Nam Á. Thứ tư là Bukalapak cũng của Indonesia.

Theo phân tích của Google và Temasek, Lazada, Shopee và Tokopedia là ba đối thủ chính trong cuộc đua thương mại điện tử Đông Nam Á. Wall Street Journal nhận định “ông trùm” Lazada đang chịu rất nhiều sức ép từ Shopee và Tokopedia.

Vấn đề là Lazada được gã khổng lồ Alibaba hậu thuẫn, trong khi cả Shopee, Tokopedia hay Bukalapak đều chỉ là những kẻ vô danh trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc đua đốt tiền

Khảo sát của Google và Temasek cho thấy tính từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2019, các công ty Internet ở Đông Nam Á đã huy động được tới 37 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Con số của cả năm 2018 là 14,1 tỷ USD và trong nửa đầu năm 2019, đã có 7,6 tỷ USD được bơm vào các doanh nghiệp Internet khu vực.

Theo Reuters, tháng 3/2018 Alibaba tuyên bố đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada. Khi đó, tổng số cổ phần Alibaba nắm giữ ở Lazada đã lên tới hơn 90%. Như vậy, chỉ trong hơn 2 năm, Alibaba đã đổ tới 4 tỷ USD vào Lazada với tham vọng thống trị thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á.

Đối thủ Shopee cũng không chịu kém cạnh. Theo Tech Crunch, hồi tháng 3 công ty mẹ Sea (Singapore) thông báo phát hành cổ phiểu để huy động vốn và đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Shopee. Trong khi đó, trong năm 2018 Tokopedia được SoftBank và Alibaba bơm 1,1 tỷ USD. Hồi năm 2017, Alibaba cũng đã đầu tư 1,1 tỷ USD vào Tokopedia.

Được đầu tư lớn, nhưng hiệu quả của các nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á còn là một dấu hỏi. Có rất ít số liệu cho thấy Lazada đang làm ăn thế nào, bởi Alibaba không công bố doanh số và mức lãi - lỗ cụ thể của Lazada mà chỉ đưa ra con số chung của khối bán lẻ quốc tế.

{keywords}
Tokopedia hay Shopee cũng đều đang kinh doanh lỗ. Ảnh: Nikkei Asian Review. 

Theo báo cáo tài chính của Alibaba, doanh thu khối bán lẻ quốc tế tính của quý tài chính tính đến hết tháng 3/2019 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái lên 737 triệu USD. Đánh lưu ý là doanh thu của Lazada giảm 4%. Ở quý II, doanh thu khối bán lẻ quốc tế của Alibaba tăng lên 811 triệu USD.

Về phần Shopee, hồi đầu năm 2019 Sea thông báo nền tảng này lỗ tới 860 triệu USD trong năm 2018, nguyên nhân là hãng tốn nhiều tiền đầu tư cho chiến dịch mở rộng thị trường, chi phí giao dịch ngân hàng và vận chuyển gia tăng.

Tương tự Lazada, Tokopedia cũng không công bố con số doanh thu cụ thể. Theo Nikkei Asian Review, hiện Tokopedia vẫn đang kinh doanh lỗ. CEO Tokopedia William Tanuwijaya nói trước mắt, công ty này sẽ tập trung chủ yếu vào thị trường Indonesia và chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

"Chúng tôi không tin rằng sẽ có người thắng, thua ở thị trường Đông Nam Á trong vòng 1-2 năm tới. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp nào có tư duy, chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp để nắm bắt tiềm năng to lớn của khu vực trong 10 năm tới hoặc lâu hơn", một chuyên gia từ iPrice bình luận.

(Theo Zing)