Socrates (470-399 TCN) là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại và là người khởi nguồn chính cho tư tưởng phương Tây. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến ngoài những ghi chép của chính những học trò, trong đó có triết gia vĩ đại Plato.
Socrates là con trai của Sophroniscus, một thợ điêu khắc ở thành Athens. Ông được học nghề của cha và đã rèn nghề trong nhiều năm. Ông tham gia cuộc chiến Peloponnesian (431-04 TCN) khi thành Athens bị nghiền nát bởi người Sparta, và ông tự cho rằng mình là người can đảm.
Một bức tượng triết gia Socrates |
Những chi tiết về thời thơ ấu của ông rất hiếm hoi, mặc dù có vẻ như ông cũng hưởng thụ một nền giáo dục bình thường của Hy Lạp cổ đại trước khi dành cuộc đời của mình cho những niềm đam mê trí tuệ khác.
Ông có niềm đam mê đặc biệt với tác phẩm của các triết gia tự nhiên, và học trò Plato cũng ghi lại những cuộc gặp gỡ của ông với Zeno xứ Elea và Parmedides khi họ tới thành Athens vào khoảng năm 450 TCN.
Bản thân Socrates không viết gì, chính vì thế những bằng chứng về cuộc đời và các hoạt động của ông đều xuất phát từ những ghi chép của Plato và Xenophon (khoảng 431-352 TCN).
Ngoài những câu chuyện về tính cách kỳ lạ của Socrates, những thông tin trong Symposium của Plato còn miêu tả về ngoại hình của ông. Ông thấp người, ngoại hình của ông khá trái ngược với chuẩn mực về cái đẹp ở Athens lúc bấy giờ. Ông cũng rất nghèo, tài sản của ông chỉ có những vật dụng thiết yếu nhất cho cuộc sống. Tuy vậy, sự xấu xí về ngoại hình của ông lại không hề ngăn cản việc ông là một người cực kỳ thu hút những người xung quanh.
Tư tưởng của Socrates
Tư tưởng của ông đậm tính tôn giáo mặc dù ông chỉ trích các thần thoại Hy Lạp. Lời nói và những hành động của ông trong các tác phẩm như Apology, Crito, Phaedo, và Symposium đều cho thấy sự tôn trọng sâu sắc của ông đối với các phong tục tôn giáo của Athens và sự tôn kính chân thành với thần thánh.
Socrates khẳng định rằng luôn có một giọng nói thần thánh mà ông có thể nghe được từ bên trong mình trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời ông. Đó không phải là giọng nói đưa ra cho ông những chỉ dẫn tích cực, mà là những lời cảnh báo khi ông đi chệch khỏi con đường.
Trong phiên tòa bào chữa cho chính mình, Socrates kể lại câu chuyện ông từng được một nhà tiên tri nổi danh ở đền Delphi đánh giá là người khôn ngoan nhất. Socrates nói ông cảm thấy bối rối vì lời nhận xét này, bởi vì không ai biết được mức độ thiếu hiểu biết của mình ngoài chính họ.
Nhà tù nơi đã giam giữ Socrates ở Athens, Hy Lạp |
Tuy nhiên, ông quyết tâm tìm ra sự thật trong lời của nhà tiên tri. Trong suốt nhiều năm, ông đi khắp nơi và đặt câu hỏi cho những người có nổi tiếng là khôn ngoan và những người tự nhận mình là người khôn ngoan. Ông kết luận rằng đúng là ông khôn ngoan hơn họ, bởi vì ông có thể nhận thức được sự thiếu hiểu biết của mình, trong khi họ thì không.
Socrates là bậc thầy của phương pháp lập luận truy vấn (một hệ thống được sử dụng để tranh luận). Những tác phẩm của ông khiến ông có số lượng kẻ thù cũng nhiều như số người ngưỡng mộ. Một ví dụ về điều đó có viết trong Apology của Plato.
Meletus buộc tội Socrates đã làm hư hỏng những người trẻ, hủy hoại đạo đức của họ. Socrates bắt đầu phản biện bằng việc đặt câu hỏi liệu Meletus có xem sự tiến bộ của người trẻ là quan trọng hay không. Meletus đáp: Có. Socrates hỏi: Ai có thể giúp người trẻ tiến bộ? Meletus đáp: Luật pháp. Socrates hỏi: Ngài có thể nêu tên một người hiểu về luật pháp? Meletus đáp: Các thẩm phán là người hiểu luật. Socrates hỏi: Có phải tất cả thẩm phán đều có thể chỉ dẫn và giúp người trẻ tiến bộ không hay chỉ một vài người có thể làm được điều này? Meletus đáp: Tất cả họ đều có khả năng làm việc này. Sau đó, Socrates tiếp tục buộc Meletus phải thừa nhận rằng những nhóm người khác như Thượng viện, Quốc hội và sau đó là tất cả người dân Athens đều có khả năng chỉ dẫn và giúp người trẻ tiến bộ.
Sau đó, Socrates lại bắt đầu một loạt câu hỏi tương tự về việc huấn luyện ngựa và các loài động vật khác. Có phải tất cả mọi người đều có khả năng huyến luyện ngựa không hay chỉ những người có chuyên môn và kinh nghiệm đặc biệt mới có thể làm điều này? – Socrates hỏi. Lúc này, Meletus đã nhận ra sự ngớ ngẩn trong lập luận của mình. Hắn không trả lời, nhưng Socrates đã trả lời thay. Ông nói rằng, nếu như Meletus không đủ quan tâm tới người trẻ Athens để đóng góp những ý kiến thỏa đáng cho những người có thể chỉ dẫn và giúp người trẻ Athens tiến bộ, thì ông không có quyền gì để buộc tội Socrates đã làm hư hỏng người trẻ.
Phương pháp tranh luận của Socrates bắt đầu bằng những câu hỏi khiến đối phương tin rằng người hỏi rất đơn giản, nhưng sau đó lại kết thúc bằng sự đảo ngược hoàn toàn. Vì thế, những đóng góp chủ yếu của ông không nằm ở việc xây dựng một hệ thống phức tạp, mà ở việc xóa bỏ những niềm tin sai trái và dẫn dắt con người nhận thức được sự thiếu hiểu biết của mình, từ vị trí đó họ mới có thể bắt đầu khám phá sự thật. Chính sự kết hợp độc đáo giữa kỹ năng biện chứng (sử dụng logic và lập luận trong một cuộc tranh luận) với sức hấp dẫn mạnh mẽ của ông với những người trẻ đã khiến những đối thủ của ông có cơ hội đưa ông ra xét xử vào năm 399 TCN.
Cái chết của Socrates
Meletus, Lycon và Anytus là những kẻ buộc tội Socrates vô thần và làm hư hỏng giới trẻ của thành Athena. Ông bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc.
Một bức họa miêu tả lại thời điểm Socrates uống thuốc độc trước mặt những người bạn |
Tác phẩm Crito của Platon đã kể về những nỗ lực của Crito trong việc thuyết phục Socrates trốn khỏi nhà tù, nhưng trong một cuộc đối thoại của Socrates với Luật pháp Athena, ông đã bày tỏ sự tôn kính của mình với thành phố này và kiên quyết tuân theo luật pháp của nó ngay cả khi điều đó khiến ông phải chết.
Trong tác phẩm Phaedo, Plato đã kể lại cuộc tranh luận của Socrates về sự bất tử của linh hồn. Kết thúc cuộc đối thoại, một trong những cảnh tượng xúc động và kịch tính nhất trong văn học cổ đại đã diễn ra – đó là cảnh Socrates nâng ly thuốc độc trong khi bạn bè ông ngồi xung quanh đầy bất lực. Trước khi tắt thở, Socrates vẫn không quên trăng trối với Crito bằng những lời hài hước: “Crito, tôi còn mắc nợ Asclepius một con gà trống, anh làm ơn trả giùm tôi được không?”.
Socrates là tên tuổi nhiều màu sắc nhất trong lịch sử triết học cổ đại. Danh tiếng của ông lan rộng khắp nơi và nhanh chóng trở thành một cái tên mà ai cũng biết thời kỳ đó, mặc dù ông không sở hữu trí khôn phi thường, không xây dựng hệ thống triết học, không thiết lập trường học và tông phái.
Tầm ảnh hưởng của ông tới đường hướng của triết học cổ đại thông qua Plato, những người hoài nghi và ít trực tiếp hơn là Aristotle, là không thể kể hết.
Những câu nói nổi tiếng của Socrates: 1. "Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả". 2. "Một cuộc sống mà không không có thử thách là một cuộc sống không đáng để sống". 3. "Điều tốt đẹp duy nhất là kiến thức, điều xấu xa duy nhất là sự thờ ơ". 4. "Tôi không thể dạy ai một thứ gì. Tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ". 5. "Đối xử tốt với mỗi người bạn gặp là một trận chiến khó khăn". 6. "Những bộ óc lớn thảo luận về những ý tưởng, bộ óc trung bình bàn luận về những sự kiện còn những bộ óc non yếu chỉ nói chuyện về con người". 7. "Dù gì thì cũng nên kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia". 8. "Người không hài lòng với những gì anh ta có cũng sẽ không hài lòng với những gì ảnh ta sẽ có". 9. " Đôi khi bạn dựng lên những bức tường không phải để ngăn cách với mọi người, mà để xem ai đủ quan tâm phá bỏ nó". 10. "Trí tuệ bắt nguồn từ những điều kì diệu". |
-
Người thầy thành lập ngôi trường đầu tiên trong lịch sử nhân loại
Ông cũng là người viết những tác phẩm triết học có ảnh hưởng lớn tới hệ tư tưởng phương Tây.
- Nguyễn Thảo (dịch và tổng hợp)