Thoạt nhìn người đàn ông đầu xù tóc rối này, không ai có thể nghĩ rằng ông là một giáo sư đại học. Ở tuổi 35, ông tự bỏ tiền túi ra 8.000 tệ (27 triệu đồng), đi bộ 12.684km trong 225 ngày để tới những vùng sâu vùng xa giúp đỡ người dân thoát cảnh đói nghèo. Cuộc đời của ông còn nhiều chuyện khó tin hơn nữa, càng biết nhiều người ta càng cảm phục những gì ông làm cho đời.

Xuất thân nghèo khó

Theo trang Toutiao, Hứa Gia Khánh (SN 1949) sinh ra trong một gia đình nghèo ở An Khánh, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Gia đình ông có 6 anh chị em, cuộc sống lúc nào cũng thiếu ăn thiếu mặc. Cha ông sớm nhận thức được rằng, muốn thoát nghèo, thay đổi vận mệnh chỉ có thể dựa vào con đường học tập.

Hứa Gia Khánh được cha cho đi học nhưng thường xuyên có nguy cơ bỏ học nửa chừng vì không có tiền đóng học phí. May mắn thay, thành tích của ông luôn đứng đầu lớp nên được nhà trường miễn học phí. Bạn học và hàng xóm cũng giúp đỡ nhiều để ông có thể học tập thuận lợi.

Ông luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của mọi người, còn cẩn thận viết ra giấy từng khoản mình nhận được. Dù cha ông chưa bao giờ đọc sách nhưng luôn dạy con trai mình phải nhớ công ơn của nhà nước và mọi người.

Vì vậy, ngay từ nhỏ Hứa Gia Khánh đã thề: “Ai cho tôi một nắm đất, tôi sẽ đền ơn một ngọn núi”. 

Năm 1968, ông được tiến cử vào Đại học An Huy. Cha ông nghe tin này vui mừng tới mức gom góp đi mua cho con 1 mảnh vải để may quần áo. Tuy nhiên, vì đường tuyết trơn nên cha ông bị tai nạn gãy tay. Mảnh vải đó sau này được ông may thành chiếc áo và mặc suốt 28 năm.

Bộ đồ này không chỉ biểu hiện sự quan tâm của cha mà còn là lời nhắc nhở ông luôn phải khắc ghi công ơn của mọi người.

Sau khi tốt nghiệp, Hứa Gia Khánh chọn ở lại trường dạy học, dùng cách riêng của mình để báo đáp đất nước và nhân dân, đó là dạy dỗ những đứa trẻ nên người.

Đi 12.684km tới núi Đại Biệt

Ngay từ khi còn học đại học, Hứa Gia Khánh đã muốn tới dãy núi Đại Biệt nằm ở miền trung Trung Quốc để nghiên cứu các loài thực vật. Để có kinh phí thực hiện chuyến đi này, ông đã sống tiết kiệm hết mức có thể.

Năm 1984, dù vẫn chưa đủ tiền nhưng ông không chờ đợi được nữa. Ở tuổi 35, nhờ cha vay mượn đủ 8.000 tệ, ông đã bắt xe buýt tới núi Đại Biệt. Đây là một vùng núi hiểm trở, đầy rắn độc, côn trùng, sói… cảm giác như phải trải qua vô số những thử thách sinh tử.

Trong một lần đi khảo sát, ông bị rơi xuống vách đá nhưng may mắn được cứu. Tại đây, ông được người dân địa phương chào đón rất nồng nhiệt. Dù nơi đây có tài nguyên nhưng vì người dân không hiểu khoa học nên chịu cảnh nghèo khổ, lạc hậu.

Trong cuộc khảo sát kéo dài 225 ngày, Hứa Gia Khánh đã đi bộ 12.684 km, qua 19 quận và thành phố ở các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và An Huy. Ông cũng trở thành người đầu tiên ở Trung Quốc tiến hành kiểm tra toàn diện dãy núi Đại Biệt.

Chuyến đi này khiến ông quyết tâm sử dụng những gì mình học được để giúp dân làng thoát nghèo.

Phó trưởng khoa không thích ngồi văn phòng

Năm 1990, Hứa Gia Khánh được thăng chức phó trưởng khoa nhưng ông không thích ngồi trong văn phòng. Ngay khi nhận việc, ông đi tới các vùng nông thôn suốt 6 tháng để khảo sát và thu nhập các loại cây trồng.

Dù là giảng viên nhưng ông chưa bao giờ quên mục đích ban đầu của mình là giúp người dân thoát nghèo. Ông nhận thấy người Nhật rất thích loại khoai nưa konjac. Tình cờ vùng núi Jixi, tỉnh An Huy lại thuận lợi cho việc trồng loại khoai này.

Ông đã bỏ tiền núi ra để mua giống konjac và trồng thí điểm. Kết quả mùa vụ konjac năm ấy bội thu, thu về lợi nhuận lớn. Điều này khiến ông mừng rỡ nhận ra con đường giúp người dân nơi đây trở nên giàu có hơn.

Trong suốt 2 năm ăn ngủ với người dân ở vùng núi Jixi, ông đã giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi ông quyết định rời đi, người dân đã khóc. Sau này, ông vẫn quay lại nơi đây nhiều lần để hướng dẫn nông dân trồng trọt khoa học và giải quyết các vấn đề xảy ra.

Hành trình xóa đói giảm nghèo ở Tây Nam Trung Quốc

Sau sự thành công ở Jixi, Hứa Gia Khánh nhận được nhiều sự chú ý của mọi người nhưng luôn tin đó là việc mình nên làm. 

Năm 1998, khi đó ông đã 49 tuổi nhưng muốn tới phía tây nam của đất nước.

Lần này, ông tiết kiệm được 27.720 tệ, để lại một lá thư cho vợ và con gái rồi rời đi. Vì sức lực bị tổn hại do những tai nạn xảy ra ở núi Đại Biệt đã để lại nhiều di chứng cho ông. Một bên tai của ông không còn nghe tốt được nữa.

Cuộc hành trình lần này của Hứa Gia Khánh trải qua hơn 30.000km, thường xuyên đối mặt với mưa xối xả, lở đất, ăn trái cây dại, ngủ trong rừng. Ông cũng gặp kẻ cướp và bị lấy đi 4.000 tệ.

Trong chuyến đi này, ông trải qua 17 vụ tai nạn ô tô, nguy hiểm nhất là lúc xe buýt bị lũ quét cuốn đi ở Quý Châu. Ông may mắn thoát ra ngoài bằng cửa sổ nhưng 27 người trong xe còn lại đều thiệt mạng.

Sau một thời gian dài sống ở nơi hoang dã với vẻ ngoài nhếch nhác và bộ râu bù xù, ông chẳng khác nào người vô gia cư. Dù vậy, ông vẫn nhất quyết đi khắp phía tây nam và thu thập được 17 loại konjac. Nguồn tài nguyên thực vật tự nhiên mà ông thu thập được đã góp phần to lớn giúp đỡ người dân miền núi thoát nghèo.

Hứa Gia Khánh thúc đẩy công nghệ trồng konjac, đào tạo cho hơn 20.000 người trồng konjac. Cũng nhờ chuyến đi thực tế ở phía tây nam này, ông được vinh danh là “vua konjac”.

Trước khi lên đường, ông vẫn là một vị giáo sư đại học đáng kính. Khi trở về, bộ dạng của ông khiến tất cả mọi người kinh ngạc, từ 60kg chỉ còn 40kg, ốm yếu, nhếch nhác.

Việc làm của Hứa Gia Khánh gây được sự chú ý rộng rãi, có người cho rằng ông quá ngốc khi phải đánh đổi vị trí giáo sư đại học để trở thành một người vô gia cư với đầy rẫy vết thương và bệnh tật. Tuy vậy, ông chưa bao giờ hối hận về việc mình làm và nói: “Tôi là giáo viên của nhân nhân, phải phục vụ người dân nước mình”.

Hứa Gia Khánh nhận được nhiều danh hiệu và khen thưởng khác nhau. Nhà nước đã trao tặng ông 100.000 tệ vào năm 1998, số tiền này có thể mua được 1 căn hộ 3 phòng ngủ ở Hợp Phì nhưng ông đã tặng lại nó cho trẻ em ở khu vực miền núi.

Năm 2019, ông bị chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Trên giường bệnh, ông gầy như que củi nhưng trước khi chết, ông vẫn muốn hiến giác mạc của mình.

Ngày 19/10 cùng năm, Hứa Gia Khánh qua đời vì bệnh tật ở tuổi 70. Đêm trước khi qua đời, ông vẫn lo lắng không biết người dân trồng khoai có được mùa không. Giờ đây, cuối cùng ông cũng có thể mãn nguyện vì đã đấu tranh hết mình để xoá đói giảm nghèo.