Narinder S.Kapany vừa là nhà vật lý, đồng thời là một doanh nhân tuyệt vời. Nhờ sự đóng góp tích cực của ông, các công trình nghiên cứu sợi quang học đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu trong ngân sách của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp.
Mọi thứ bắt đầu từ thời học sinh
Khi Kapany học trung học vào những năm 1940 ở Dehradun, một thành phố của Ấn Độ nằm dưới chân núi Himalaya. Giáo viên khoa học của ông đã khẳng định ánh sáng chỉ truyền theo đường thẳng.
Tiến sĩ Kapany qua đời ở tuổi 94. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm quen với chiếc máy ảnh hộp, ông biết rằng ánh sáng có thể được quay theo nhiều hướng khác nhau thông qua thấu kính và lăng kính. Kapany cho biết chính thái độ của giáo viên đã giúp ông có động lực nghiên cứu vấn đề này xa hơn.
Khi học cao học tại Đại học Hoàng gia London vào năm 1952, Kapany nhận ra bản thân không hề đơn độc. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học trên khắp châu Âu đã nghiên cứu cách truyền ánh sáng qua những sợi thủy tinh linh hoạt. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ II cùng hàng loạt khó khăn về kỹ thuật đã níu chân những nghiên cứu này.
Sau khi hợp tác với nhà khoa học Harold Hopkins dưới cương vị trợ lý nghiên cứu, cặp đôi này đã công bố các phát hiện mới trên tạp chí Nature vào năm 1952. Theo đó, mô tả phương pháp bó hàng nghìn sợi thủy tinh siêu mỏng để tạo thành một đường truyền kết nối.
Cùng một số bài báo của những nhà khoa học khác, công trình của Hopkins và Kapany đã đánh dấu sự ra đời của cáp quang học, một trong những công nghệ đường truyền phổ biến hiện nay.
Trong những năm sau đó, báo chí đã ca ngợi Tiến sĩ Kapany là “cha đẻ của cáp quang”. Thậm chí, một số người tin rằng công trình của ông xứng đáng nhận giải Nobel Vật lý năm 2009. Thế nhưng, giải thưởng này thuộc về Charles Kao nhờ một nghiên cứu khác về sợi cáp quang.
Một lần nữa, niềm tin đó tiếp tục quay trở lại sau khi Tiến sĩ Kapany qua đời vào ngày 3/12/2020 ở tuổi 94.
Cuộc đời nhiều thăng trầm
Cho đến nay, mối liên hệ giữa công trình nghiên cứu sợi quang học giữa Tiến sĩ Kapany và Tiến sĩ Kao vẫn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, sự đóng góp của ông trong quá trình phổ biến công nghệ sợi quang là không thể phủ nhận.
“Ông ấy là người tiên phong”, nhà báo khoa học Jeff Hecht chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Không chỉ là nhà nghiên cứu hàn lâm, Tiến sĩ Kapany còn lãnh đạo một trong những công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Thung lũng Silicon. Ông không ngừng đưa các công nghệ cáp quang vào ngân sách nghiên cứu của công ty lẫn chính phủ. Nhờ đó, những phát hiện mang tính bước ngoặt của ông và Giáo sư Hopkins từ năm 1950 đã thu về không ít thành quả.
Tiến sĩ Kapany từng thành lập rất nhiều công ty công nghệ. Ảnh: Getty. |
Theo cuốn sách “Thành phố ánh sáng” của Hecht, kể từ khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 1955 cho đến năm 1965, Kapany là tác giả chính hoặc đồng tác giả của 56 bài báo khoa học, chiếm 30% nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực này suốt thập kỷ đó. Ông đã viết cuốn sách đầu tiên về sợi quang học và tự đặt tên cho thuật ngữ này vào năm 1960 trên tờ Scientific American.
Narinder Singh Kapany sinh ngày 31/10/1926 trong một gia đình ở Moga, một thị trấn tại Punjab, nằm phía tây bắc Ấn Độ. Cha của ông - Sundar Singh Kapany - làm việc trong ngành than. Còn mẹ - Kundan Kaur Kapany – là một nội trợ. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Agra (nay là Đại học Dr. Bhimrao Ambedkar University), ông làm việc cho một nhà máy sản xuất vũ khí của chính phủ ở Dehradun trước khi chuyển đến Anh.
Mặc dù yêu thích nghiên cứu, Tiến sĩ Kapany chưa bao giờ có kế hoạch trở thành một nhà khoa học hàn lâm. Ban đầu, ông chuyển đến Anh để thực tập cho một công ty quang học ở Scotland với mục đích áp dụng kiến thức sau khi thành lập công ty riêng của mình ở Ấn Độ. Nhưng cơ hội làm việc với Giáo sư Hopkins, một nhân vật nổi tiếng trong thế giới quang học, quá hấp dẫn để cưỡng lại.
Tiến sĩ Kapany thời trẻ. Ảnh: NYT. |
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ lại không hề ổn định. Ngay sau khi xuất bản bài báo trên tạp chí Nature, hai người đàn ông ngừng hợp tác. Giáo sư Hopkins cáo buộc Tiến sĩ Kapany phóng đại sự đóng góp của mình. Ngược lại, Kapany cho rằng nhờ có ông, những lý thuyết trên tấm bảng phấn mới có thể biến thành hiện thực.
Năm 1954, sau khi bài báo trên tạp chí Nature xuất hiện, Tiến sĩ Kapany kết hôn với Satinder Kaur, một người phụ nữ gốc Ấn Độ đang học khiêu vũ ở London. Năm 1955, cả hai lên đường đến New York sau khi Tiến sĩ Kapany được mời làm việc tại Đại học Rochester và ký hợp đồng tư vấn với Brusch & Lomb, một công ty chăm sóc mắt.
Tiến sĩ Kapany phát triển không ngừng trong giới học thuật. Vào năm 1960, ông chuyển đến California và thành lập công ty Công nghệ Quang học, với mục đích thương mại hóa nghiên cứu của mình. Công ty đặt trụ sở tại Palo Alto, công ty này ngay sau đó được Draper, Gaither & Anderson – một trong những công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở bờ Tây, tài trợ.
Gia đình Kapany chuyển đến Illinois sau khi có một bé trai. Tại đây, Tiến sĩ Kapany nhận công việc giảng dạy tại Viện Công nghệ Illinois. Sau khi người vợ qua đời năm 2016, Tiến sĩ Kapany sống cùng 2 người con và 4 người cháu.
Mối quan hệ giữa Tiến sĩ Kapany và Thomas J.Perkins, một trong số lãnh đạo của công ty, đổ vỡ không lâu sau đó. Mặc dù Tiến sĩ Kapany đưa công ty của mình ra đại chúng vào năm 1967, công ty này ngay sau đó chìm xuống dưới áp lực doanh thu và ngân sách. Ông rời đi cùng năm đó và thành lập công ty chuyên sản xuất thiết bị sợi quang mới – Kaptron - nhưng bán đi sau đó. Năm 1999, ông tiếp tục thành lập một công ty khác – K2 Optronics – cùng với con trai của mình.
Ngay cả khi trở thành một doanh nhân, Tiến sĩ Kapany chưa bao giờ rời bỏ hoàn toàn lĩnh vực học thuật. Ông đã giảng dạy tại Đại học California, Santa Cruz, từ năm 1977-1983 và sau đó tham gia giảng dạy tại một số trường đại học khác.
Tiến sĩ Kapany đồng thời là một người theo đạo Sikh. Bên cạnh đó, ông dành rất nhiều công sức vào bộ sưu tập nghệ thuật Sikh lớn nhất thế giới cũng như tài trợ nhiều phòng trưng bày trên khắp đất nước.
Theo người con trai, điểm đặc biệt của Tiến sĩ Kapany chính là chất giọng Mỹ pha giữa giọng nam cao của người Ấn Độ và tiếng Anh.
“Ông ấy sử dụng chiếc khăn xếp như một loại vũ khí. Khi bạn nhìn thấy một chàng trai đội khăn xếp và nói chuyện như J.F.K (cố tổng thống Mỹ), bạn sẽ không thể quên anh ấy”, con trai ông chia sẻ.
Theo Zing
Hai tuyến cáp quang biển quốc tế đang gặp sự cố
Theo nguồn tin riêng của ICTnews, 2 tuyến cáp quang biển quốc tế IA và APG đã gặp sự cố trong những ngày đầu năm mới 2021, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.