- Những âm thanh giọng nói phát ra từ chiếc cát-xét cũ kỹ của người con trai bặt vô âm tín gần 45 năm trời khiến cụ Hà Thị Loan bật khóc.
Chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế - Năm U.S.O.M), người nổi tiếng là một trong những nguyên mẫu chính của nhân vật Hoàng Sơn trong tác phẩm điện ảnh lịch sử "Biệt động Sài Gòn" xa xưa, đã được sắp xếp "gặp lại" mẹ và gia đình lần đầu tiên trong xa nhớ theo cách ấy.
Gia đình xum vầy sau 44 năm xa cách, trong đó ông Trần Văn Lai cùng mẹ, tức cụ Hà Thị Loan (ngồi buồng lái trước) và ông Trần Đức Bảo (đứng ngoài) |
45 năm xa cách
Tháng 4/1975, hòa trong không khí giải phóng, ông Thanh cũng như những phóng viên chiến trường khác tiến về Sài Gòn. Không khí ngày thống nhất giữ chân người phóng viên ở lại Sài Gòn nhiều tháng sau đó và như một nhân duyên, ông gặp người chiến sĩ biệt động Sài Gòn khi làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố.
Suốt 2 tháng ở lại miền Nam, người phóng viên được ông Năm Lai dẫn đi khắp nơi, ghi nhận cuộc sống mới sau giải phóng. Cả hai trở nên thân thuộc, chia sẻ những kỷ niệm, mà ông Thanh nhớ nhất lần 2 người cùng leo lên nóc Dinh Thống Nhất để lấy chiếc búa ông Năm Lai cố tình để lại trên đó khi hoạt động ngầm cách mạng....
Ngày ông Thanh chuẩn bị rời Sài Gòn trở lại ra Bắc, ông Năm Lai chia sẻ về nỗi đau xa cách, ly tán gia đình hoạt động cách mạng đã mấy chục năm, bặt vô âm tín không tin tức nào từ cha mẹ, anh chị em ở quê nhà Thái Bình kể từ khi ông bước chân đi khi mới 12 tuổi.
Rồi họ thâu âm giọng nói của ông Năm Lai vào một chiếc băng cát-xét, lọc vài tấm hình cá nhân như căn cước xác thực mang theo tìm lại gia đình của ông.
Ông Thanh rời Sài Gòn với nỗi đau đáu phải tìm bằng được gia đình ruột của Năm Lai ở Thái Bình.
Nhà báo Nguyễn Thanh (trái) và ông Trần Đức Bảo (em ruột ông Trần Văn Lai) hiện nay |
Hội ngộ từ chiếc cát-xét
Ông Trần Đức Bảo, em trai ruột của ông Năm Lai không thể quên được ngày ông Thanh tìm đến gia đình mang theo tin tức của người con bặt tín hàng chục năm trời.
Bà Hà Thị Loan, mẹ già của người chiến sĩ biệt động đã không cầm nổi nước mắt khi người phóng viên trao những tấm ảnh và bật chiếc cát-xét có tiếng của ông Lai.
“Mẹ tôi vừa nghe, vừa khóc, bà ôm chặt cái máy như muốn nghe mãi giọng nói của anh tôi, người con bà không được nhìn mặt gần 45 năm”, ông Bảo kể.
Không chỉ là cuộc hội ngộ từ giọng nói với người con trai xa cách, nhà báo Nguyễn Thanh trở về Thái Bình tình cờ “giải oan” giúp gia đình ông Năm Lai vì những tin đồn.
Tết xum vầy của gia đình ông Năm Lai, ảnh chụp tết năm 1976 Cụ Loan và các cháu nội trong lần đầu gặp mặt |
Rồi bà con láng giềng mới vỡ lẽ khi nghe kể về những thành tích, chiến công cách mạng quả cảm của ông Lai khi đứng trong hàng ngũ Biệt động Sài Gòn…
Đoàn tụ trong nước mắt
Nắm bắt tin tức về ông Lai, cụ Loan ngày đêm mong ngóng một lần trở vào Nam để thăm con trai. Trong khi, ông Lai vì đặc thù công tác, đường xá Bắc-Nam đi lại sau giải phóng cũng khó nên cũng chỉ mong ngóng một ngày nào đó có dịp đoàn tụ.
Ông Thanh quyết định đánh liều nhờ quan hệ, đưa mẹ con bà Loan lên Hà Nội, đến Phủ Thủ tướng gặp ông Phạm Văn Đồng. Sau khi nghe câu chuyện biệt li do hoạt động cách mạng của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết một lá thư tay cho Bí thư tỉnh ủy Thái Bình thu xếp cho gia đình bà Loan vào miền Nam thăm con trai.
Cận Tết năm 1976, bà Loan và các con cháu quyết định lên đường vào Nam bằng đường tàu biển sau khi có giấy thông hành và tiền chu cấp hỗ trợ của chính quyền tỉnh.
Để chắc chắn, ông Bảo viết thư trước cho anh trai thông báo ngày giờ tàu cập bến.
“Những ngày di chuyển trên tàu, mẹ tôi cứ nôn nao, không chợt mắt nổi, bà quá mong mỏi gặp được anh trai tôi”, ông Bảo nhớ lại.
Vợ ông Bảo, bà Đặng Thị Thiệp cũng kể lại khoảnh khắc tàu chuẩn bị cập cảng Sài Gòn. Bà Loan cầm sẵn tấm ảnh con trai giơ cao để ông Lai có thể nhận ra.
“Mẹ chồng tôi và anh Lai lao đến ôm nhau khóc mừng tủi. Anh Lai ôm chặt mẹ khóc như đứa trẻ. Mẹ thì quá đỗi vui mừng, nước mắt và nụ cười hòa lẫn”, bà Thiệp nhớ lại.
Tết năm 1976 thực sự là cái Tết đoàn tụ của gia đình. Họ ở lại miền Nam vài tháng rồi bà Loan cùng các em, cháu của ông Lai lại trở ra Bắc.
Ông Trần Văn Lai và em trai, tức Trần Đức Bảo |
Lần ấy, ông tranh thủ về thăm quê, cũng là lần đầu tiên trở về quê sau hàng chục năm. Rồi ông có dịp lên Đại Từ, Thái Nguyên để thắp nén hương trên mộ bố và 3 chị em gái đã qua đời từ năm 1953.
Sau này, ông Lai thêm một lần về thăm mẹ già ở quê khi bà trở ốm nặng, cũng là lần cuối cùng gặp mẹ.
Do đặc thù công tác, ông chỉ được trở ra Bắc vài ngày rồi phải vào. Lúc đó, mẹ già của ông ốm yếu, không còn minh mẫn. Ngày lên đường, ông quỳ bên cạnh giường mẹ, khóc rồi lạy sống mẹ để tạ từ một lần nữa.
“Anh Lai biết có thể đây là lần cuối mẹ con hội ngộ. Hôm trước anh về lại miền Nam thì hôm sau mẹ tôi qua đời. Điều kiện kinh tế và giai đoạn đó khi lại khó khăn nên anh Lai không thể chịu tang mẹ”, ông Bảo kể.
Ông Trần Kiến Xương, một người con của ông Năm Lai cũng kể lại, khi còn sống, ông Năm Lai chỉ có nỗi đau buồn duy nhất là không thể chịu tang cả bố lẫn mẹ khi họ qua đời.
“Ai cũng hiểu chuyện đó. Bởi, cha tôi đã hy sinh, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, những việc chung của dân tộc”, ông nói.
Ông Trần Văn Lai là một trong những chiến sĩ quả cảm của Biệt động Sài Gòn. Đầu năm 1963, do nhu cầu chiến lược hình thành phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, ông Lai được chuyển sang đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. “Nằm trong lòng địch” , ông hoạt động trong vỏ bọc một nhà thầu khoán với cái tên Mai Hồng Quế. Nhờ nổi danh trong nghiệp đoàn trang trí nội thất, ông được thu nhận vào Dinh Độc Lập, chuyên lo cung cấp, trang trí nội thất. Trong nhiều mục tiêu hoạt động, ông Năm Lai nổi bật với thành tích xây dựng những hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968, đảm bảo cơ sở giấu cán bộ của ta hoạt động bí mật thuận lợi… Mới đây, ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. |
Đàm Đệ