Game.jpg
Hầu hết các game đang được lưu hành tại Việt Nam hiện nay là game bạo lực. (Ảnh: Thanh Hải)

Tràn ngập game online bạo lực

Tính đến tháng 10/2009, số game online ở Việt Nam đang hoạt động, đủ các thể loại từ webgame, MMORPG, Casual đến MMOFPS đã lên đến con số 50 (chưa kể game online lậu và game chơi ở server nước ngoài). Theo thông báo từ các nhà phát hành, đến cuối năm 2009 sẽ có thêm khoảng 10 game online nữa xuất hiện trên thị trường.

Các game online được nhà phát hành trong nước ra mắt năm nay không có gì thay đổi so với các năm trước, tất cả vẫn là game “nhập khẩu” (ngoại trừ game online nội dung thuần Việt Thuận Thiên Kiếm) và nội dung vẫn chủ yếu tập trung vào phần kiếm hiệp, thiên về khuynh hướng “bạo lực”, trong một số game còn xuất hiện cả súng ống và khuyến khích người chơi sở hữu cho mình những vũ khí “khủng”… Có game được xem là dành cho lứa tuổi 18+ như TwelveSky 2 (tên tiếng Việt: Độc Bá Giang Hồ) đầy sexy và bạo lực cũng được “duyệt” về phát hành trong nước. Mặc dù nhà phát hành Độc Bá Giang Hồ đã tiến hành “mặc áo” cho quái vật trong game để tránh độ sexy nhưng về bạo lực thì vẫn không thay đổi.

Các hoạt động ngoài game được tổ chức rầm rộ, trong đó nhà phát hành sử dụng những hình ảnh biểu tượng mang tính sexy làm đại diện cho game, hay sử dụng các PG “hở hang” để lôi kéo game thủ cũng xuất hiện thường xuyên.

Cần sớm có văn bản quản lý

Tháng 2/2009, Hội thảo “Sự phát triển của dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý" với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã được tổ chức tại TP HCM. Hội thảo thừa nhận Thông tư 60 chưa bao quát được thực tế hoạt động của trò chơi trực tuyến. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng: Thông tư 60 ra đời khi Online game chưa phát triển mạnh như hiện nay. Hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn hạn chế nên nội dung thông tư trên còn nhiều lỗ hổng…

Tại buổi đối thoại trực tuyến về quản lý game online diễn ra ngày 19/07 vừa qua, ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cũng thừa nhận khi triển khai thông tư 60 vẫn còn quá nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề tài sản ảo và quản lý giờ chơi trong game online. Ông Hải cũng cho biết, Bộ đang xây dựng QĐ của Thủ tướng CP về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế thông tư 60.

Thế nhưng, nhiều người đưa ra thắc mắc việc văn bản quản lý mới chưa xây dựng xong thì các nhà phát hành đã đưa hơn 20 game online về hoạt động trong nước một cách ồ ạt trong năm 2009. Và việc kiểm duyệt nội dung game liệu đã phù hợp chưa khi game mang tính chất “bạo lực” vẫn tồn tại và có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều thêm.

Vấn đề nữa đặt ra là cần có bàn tay quản lý chặt hơn của cơ quan chức năng để tránh tình trạng nhà phát hành gần như "đơn thương độc mã" đối phó với tình trạng hackgame hoành hành… Và những cuộc đấu giá tài sản “ảo” tiền tỷ vẫn diễn ra trong lỗ hổng về quản lý.

Tội phạm liên quan đến game gia tăng

Khi game online xuất hiện nhiều, tình trạng phạm tội liên quan đến game online tăng nhanh và tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân là thiếu tiền chơi game, đặc biệt là thủ phạm đều đang ở độ tuổi teen. Đáng kể nhất có thể kể đến vụ giết hại bố ruột của mình do Nghiêm Viết Thành, ở Hải Dương, thực hiện một cách dã man vào tháng 5/2009. Vì ham mê game online, bị la mắng, Thành đã thẳng tay giết hại bố đẻ của mình một cách dã man.

Vào ngày 13/8/2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Quý, 17 tuổi và Đàm Văn Ngọc, 15 tuổi, cùng trú tại xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh về tội giết người cướp tài sản. Động cơ giết người cũng là do hết tiền chơi game Thiên long bát bộ, Quý và Ngọc bàn nhau lừa anh họ của Quý ra đến đoạn vắng, dùng dao giết cướp chiếc xe máy. Hay ngày 15/3/2009, Lê Quý Thông (SN 1994, trú tại tổ 5, khu Ái Mỹ, TT Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), đã nhẫn tâm giết chết bà nội của mình lấy đi 200.000 đồng để chơi game…

Bên cạnh đó, các tệ nạn khác cũng gia tăng như tình trạng hack game, dùng các chương trình auto bên ngoài tác động vào game, phá hoại đến doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng diễn ra liên miên. Hay việc các tiệm internet mở cửa thâu đêm suốt sáng để phục vụ game thủ, game thủ nhí chơi game… cũng rất nhức nhối. Ngoài ra còn tình trạng buôn bán đồ ảo đang diễn ra trên thị trường chợ đen ngày càng quy mô hơn, mới đây nhất công ty M4G còn tổ chức đấu giá vật phẩm trong game Võ Lâm Truyền Kỳ thu về hơn 1,8 tỷ đồng.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 122 ra ngày 12/10/2009