Bức tranh thị trường ứng dụng giao thức ăn đầu năm 2019 đang có sự phân hoá rõ rệt. Trong khi các tân binh ra đời sau đang ăn nên làm ra, tăng trưởng tốt thì một số tên tuổi còn lại thể hiện dấu hiệu đuối vốn, hoạt động kinh doanh không khởi sắc và tiếp thị kém rầm rộ.
Một nhóm tài xế GrabFood, Now đang xếp hàng chờ lấy thức uống trong một quán cà phê tại TP.HCM - Ảnh: H.Đ |
Lala - “đứa con" của Scommerce bất ngờ biến mất vào tháng 10/2018, thời gian hoạt động chưa đến nửa năm. Đầu tháng 3/2019, startup tỷ USD Woowa Brothers (Hàn Quốc) tuyên bố mua lại Vietnammm - một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giao thức ăn qua mạng tại Việt Nam.
Trong khi đó, các tân binh như GrabFood, Go-Food lại đang sở hữu những lợi thế để bứt phá trong cuộc chiến sống còn tranh giành “miếng bánh" được định giá sẽ vượt 38 triệu USD vào 2020 (theo Euromonitor).
Theo khảo sát được thực hiện bởi Kantar TNS vào tháng 1/2019, GrabFood hiện là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 68% số người bình chọn, xếp sau là Now với 19% và Go-Food của Go-Viet với 1%.
Bài toán chiêu mộ người dùng
Theo hãng khảo sát Gcomm, tốc độ giao hàng nhanh chóng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi người dùng Việt lựa chọn ứng dụng đặt món. Mỗi dịch vụ ứng dụng lợi thế riêng biệt của mình để rút ngắn thời gian giải quyết đơn hàng, đưa thức ăn còn ấm nóng đến tay khách hàng.
Now chọn cách thâm nhập sâu vào hệ thống kinh doanh của các nhà hàng bằng thiết bị nhận yêu cầu món. Thiết bị của Now đặt sẵn trong các hàng quán để khi khách gọi đồ ăn trên điện thoại thì thiết bị đặt trong nhà hàng sẽ báo, món ăn sẽ được làm ngay. Khi nhân viên giao hàng đến quán cũng là lúc thức ăn đã chuẩn bị sẵn sàng giao đi.
GrabFood không kết nối thiết bị với nhà hàng mà chính tài xế sẽ đi mua hộ thức ăn uống cho khách. Nhờ mạng lưới 175.000 đối tác tài xế phủ rộng, GrabFood thành công trong việc tối ưu thời gian giao hàng trung bình còn 20 phút. Khách hàng và tài xế có thể trao đổi, gửi yêu cầu thông qua những đoạn hội thoại mà không cần thông qua một tổng đài trung gian như Now. Quy trình giao món cũng được cập nhật theo thời gian thực đến ứng dụng nhằm loại bỏ tâm lý chờ đợi của người dùng.
Dễ bắt gặp hình ảnh tài xế Grab (áo xanh) trên đường, và có nay có thêm nhiều tài xế Go-Viet (áo đỏ) - Ảnh: H.Đ |
Go-Viet nhờ dòng vốn mạnh hậu thuẫn từ startup kỳ lân Go-Jek đã áp dụng chiết khấu thấp 10% trong các tháng hoạt động đầu tiên để chiêu mộ hàng chục nghìn đối tác tài xế. Đây được coi là bước đi nhằm cạnh tranh độ phủ trực tiếp với đội quân “xanh lá” của Grab.
Cuộc chiến giữa những tân binh
Thị trường giao nhận thức ăn cũng chứng kiến những cuộc chiến không khoan nhượng, đặc biệt là giữa những tân binh vừa gia nhập thị trường. Đơn cử là cuộc chiến giữa Grab và GoViet - cặp đối thủ “truyền kiếp” từ đặt xe di chuyển cho đến giao đồ ăn.
Cụ thể, ở mảng truyền thông, sàn đấu thậm chí nghiêng hẳn về phía GrabFood và Go-Viet. Hai dịch vụ ký kết hợp đồng với giá trị được cho là hàng trăm nghìn USD cho các gương mặt đại diện. Go-Food chọn Sơn Tùng - một trong những nghệ sĩ thành công nhất hiện tại. GrabFood cũng tung chiêu bài là Bùi Tiến Dũng - thủ thành U23 Việt Nam. Hai đại sứ đều khoác áo tài xế đặc trưng nhằm tiếp cận đại đa số giới trẻ.
Bùi Tiến Dũng và Sơn Tùng MTP quảng bá cho GrabFood và Go-Food. |
Dù vậy, trong cuộc đua với các đối thủ, 5 năm phục vụ tại thị trường Việt cho Grab sự am tường thị trường nhất định. Hãng không “bỏ trứng vào một giỏ" mà phân bổ chi phí hợp lý cho những chiến lược phát triển sản phẩm sáng tạo.
Đơn cử, GrabFood hiện sở hữu nhiều món ăn và thức uống đồng sáng tạo cùng các nhà hàng, thương hiệu nổi tiếng với chương trình “Món độc quán quen”. Những món ăn độc quyền, chẳng hạn món ăn kết hợp giữa GrabFood với McDonald’s, tạo sự đổi mới cho người dùng, do đó các món này liên tục nằm trong top 3 món ăn được đặt giao nhiều nhất trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt.
GrabFood do Grab phát triển và chính thức vận hành tại 6 quốc gia tại Đông Nam Á từ năm 2018. Riêng tại Việt Nam, dịch vụ được chính thức triển khai tại TP.HCM vào tháng 6/2018 và mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng trong vòng chưa đầy 6 tháng. Đến tháng 1/2019, doanh nghiệp tăng độ phủ đến 15 tỉnh thành, có thể xem là dịch vụ giao thức ăn trực tuyến lớn nhất Việt Nam về quy mô.
Trong khi đó, Go-Viet với sự hẫu thuẫn từ kì lân Go-Jek được dự đoán cũng sẽ tạo nên những dấu ấn đáng nhớ trong thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.