- Theo tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), cuộc chơi lớn mới nổi lên hiện nay chính là sự tranh giành ảnh hưởng giữa TQ và Ấn Độ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn khởi phát từ sự giao thoa của 3 chiến lược - Con đường tơ lụa trên biển của TQ, Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ và Tái cân bằng về châu Á của Mỹ.

Từ bế tắc Malacca

Các nhu cầu về thương mại, năng lượng và địa chiến lược đang hướng lái các tham vọng của cả TQ và Ấn Độ. Nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chính là Eo biển Malacca - nút thắt mấu chốt của thương mại thế giới. 

Ngày nay, hơn 1/2 lượng vận chuyển container và 1/3 lưu lượng giao thông hàng hải của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, xuyên qua Eo Malacca và đi vào Biển Đông. 80% nhập khẩu dầu thô của TQ đi qua tuyến hàng hải này; trong khi, 75% nguồn cung năng lượng của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương.

{keywords}
Tàu chiến Ấn Độ nhiều lần tới Biển Đông. Ảnh: Thehindu

TQ từ lâu cảm thấy bị mắc kẹt bởi điều mà những nhà chiến lược TQ gọi là “bế tắc Malacca” – cho rằng sự tiếp cận của TQ đến Ấn Độ-Thái Bình Dương bị giới hạn bởi điểm thông quan mấu chốt đó và để đến được đó, tàu của họ phải đi qua Biển Đông. 

Do đó, trong thập kỷ qua, TQ đã nỗ lực tìm cách đảm bảo khả năng tiếp cận các tuyến đường biển quan trọng trên, kể cả bằng cách tạo ra các đảo nhân tạo cùng với các sân bay ở Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực nhưng nó chỉ là một ví dụ về một cuộc chơi lớn hơn đang diễn ra.

Cùng với việc tạo ra các tuyến đường đi đến và vòng quanh Malacca, TQ đã cung cấp các khoản vay mềm cho Bangladesh, Pakistan, Myanmar và Sri Lanka phục vụ các dự án từ đường cao tốc đến nhà máy điện, cảng biển. 

Tất cả điều này đã là một phần trong chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của TQ nhằm kết nối các nước ở Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương gần gũi hơn với nền kinh tế TQ cũng như xây dựng các tuyến thương mại từ TQ đến Ấn Độ Dương mà sẽ cho phép TQ né tránh nút thắt Malacca. 

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị tổn hại bởi các hoạt động mang tính cơ bắp nhiều hơn của TQ ở Biển Đông.

Khi TQ trở nên quyết liệt hơn, Ấn Độ đã tập trung vào nhu cầu ngày càng lớn của mình về việc tiếp cận các đường biển quan trọng và những cơ hội cho thương mại, đầu tư. 

Năm 2011, thương mại hàng hải chiếm gần 41% tổng GDP của Ấn Độ; con số này đạt 45% trong năm 2015. 

Ấn Độ hiện nhập khẩu khoảng 3/4 lượng dầu thông qua Ấn Độ Dương. Ấn Độ lo ngại rằng TQ, dựa vào mối liên kết với Pakistan, có thể bao vây Ấn Độ trên đất liền và trên biển. 

Đối với các chiến lược gia Ấn Độ, TQ có thể sẽ sử dụng năng lực hàng hải được tăng cường của TQ để tạo ra một khu vực loại trừ hải quân (ngăn chặn không cho tiếp cận) trải dài từ Biển Đông đến vịnh Ba Tư.

Để đối phó lại, Ấn Độ đã bắt đầu phân phát các nguồn tài trợ tiền. Ấn Độ hiện có hơn 12 tỷ đô la tín dụng mở và hàng chục dự án phát triển lớn ở nước ngoài. 

Mặc dù viện trợ Ấn Độ chỉ bằng một phần viện trợ của TQ trong khu vực, Ấn Độ hy vọng sẽ sử dụng nguồn cấp vốn, trọng tâm thương mại, ngoại giao quân sự và các mối quan hệ văn hóa của mình – còn gọi là Chính sách hành động hướng Đông – để duy trì và mở rộng ảnh hưởng đối với các quốc gia Vành đai Ấn Độ Dương hòng ngăn cản sự hiện diện thường xuyên hơn của TQ ở những vùng biển này. Tóm lại, đây là cuộc chơi lớn mới.

Tập kết tại Bangladesh

{keywords}
Cảng Chittagong, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Sự cạnh tranh tại Ấn Độ Dương khởi đầu ở Bangladesh, một quốc gia hiện đang là nước nhận viện trợ của TQ lớn thứ hai trong khu vực. 

Trong thập kỷ qua, 2/3 viện trợ của TQ đã đi vào lĩnh vực giao thông vận tải, vì TQ tin rằng, các liên kết cảng và đường sắt mới từ TQ đến Bangladesh có thể phục vụ như một van áp lực cho Eo biển Malacca. 

TQ đã dành nguồn vốn đáng kể nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng của Bangladesh: là nhà tài trợ chính cho dự án cảng Chittagong và đồng ý xây dựng cảng biển nước sâu tại Sonadia trước khi kế hoạch bị hoãn do Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều bày tỏ quan ngại. Bây giờ, Bắc Kinh đang để mắt tới một dự án cảng biển nước sâu khác tại Paira.

Bangladesh cũng là một trong những nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Ấn Độ. Giống như TQ, New Delhi đã tập trung phần lớn các hỗ trợ của mình vào lĩnh vực giao thông vận tải – điều được xem như là trọng tâm đối với Chính sách hành động hướng Đông. 

Ấn Độ đã dành 800 triệu đô la tín dụng cho giao thông vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ và cũng đã nộp hồ sơ dự thầu để xây dựng cảng biển nước sâu tại Paira.

Trong khi đó, Ấn Độ đã tích cực giải quyết các tranh chấp biên giới còn lại với Dhaka.

Trong mùa hè qua, hai nước cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận về tranh chấp đất đai – hoán đổi 160 khu đất nhỏ nằm dọc theo biên giới Ấn Độ-Bangladesh mà thuộc sở hữu của quốc gia này, nhưng lại nằm trên lãnh thổ của quốc gia kia – và do đó loại bỏ rào cản chính trị đã hạn chế hợp tác giữa hai nước trong 70 năm.

Khác đáng kể so với TQ ở Biển Đông, chính phủ Narendra Modi đã chấp nhận một phán quyết quốc tế liên quan đến việc phân chia các vùng lãnh hải giữa Ấn Độ và Bangladesh ở Vịnh Bengal. 

Ấn Độ hy vọng rằng một cách tiếp cận “chung sống hòa thuận hơn với láng giềng” sẽ giúp đẩy lùi ảnh hưởng của TQ ở khu vực lân cận Ấn Độ trong khi cũng thúc đẩy thương mại và kết nối tại Nam Á.

Tranh giành láng giềng Myanmar

TQ đã đầu tư mạnh vào Myanmar - nước láng giềng sát vách của Bangladesh. Từ năm 1988 đến năm 2013, TQ xây dựng cảng, đập, đường ống dẫn dầu và khí đốt khắp cả nước Myanmar và chiếm 42% đầu tư nước ngoài vào Myanmar. 

Cảng Kyaukphyu đã trở thành nền tảng trong chiến lược của Bắc Kinh tại Myanmar, vì nó cung cấp sự tiếp cận quan trọng từ đất liền đến Ấn Độ Dương.

Mối quan hệ của TQ với chính quyền quân sự đã gây ra sự phản đối ở Myanmar.

Bạo lực và các cuộc biểu tình chống TQ ở phía bắc Myanmar đã tạo cơ hội cho Ấn Độ khôi phục dự án giao thông của mình tại Kaladan, mà sẽ kết nối các thành phố Kolkata của Ấn Độ với cảng Sittwe bằng đường biển, sau đó liên kết thông qua Myanmar ngược lại bang Mizoram của Ấn Độ. 

Mối liên kết này thực sự quan trọng vì cảng Sittwe đại diện cho một phần quan trọng trong kế hoạch sâu rộng của Ấn Độ để kết nối miền đông Ấn Độ với Myanmar và nói rộng ra, với phần còn lại của khu vực bằng đường biển, đường thủy nội địa và đường cao tốc.

Các động thái của Ấn Độ đã vượt quá mức hợp tác phát triển. Tận dụng một thỏa thuận hồi tháng 5 năm 2014 về hợp tác biên giới và an ninh, vào tháng 6 năm 2015, Lực lượng đặc biệt Ấn Độ đã phát động một cuộc tấn công vào một trại quân nổi dậy ở Myanmar, giúp giảm áp lực lên các lực lượng của Naypyidaw. 

Trước đó vào năm 2013, Ấn Độ đã đồng ý xây dựng 4 phương tiện tuần tra xa bờ cho hải quân Myanmar và đào tạo thêm nhiều sỹ quan quân đội của nước này.

Đổi lại, Myanmar đã bắt đầu tách dần khỏi quỹ đạo của TQ. Cú đánh mạnh đầu tiên vào mối quan hệ Myanmar – TQ là việc đình chỉ dự án đập Myitsone trên sông Irrawaddy do TQ hậu thuẫn vào năm 2011; sau khi chính quyền quân sự Myanmar giải thể trong năm 2010, chính phủ mới đã nhượng bộ trước áp lực công khai chống lại dự án đập này. 

Cú đánh thứ hai chính là việc TQ cho phép diễn tập bắn đạn thật dọc theo biên giới Myanmar vào tháng 6 năm 2015. Trong sự mất mát chiến lược của TQ, Ấn Độ là người thắng lớn.

Hà Phúc

Tiếp: Khi Ấn Độ trực tiếp thách thức vị thế của TQ