Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN), cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh.
Xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý-người dân-nhà đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.
Thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn.
Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Phát triển bền vững
Tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững đang ngày càng trở nên cấp bách.
Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng CO2 trên toàn thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh. Ảnh: VGP |
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.
“Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn trong đó không chỉ hứa hẹn những kết quả tốt đẹp mà còn có thể chứa đựng cả những rủi ro. Việt Nam đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa.
Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định “sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung.
Với vai trò là Bộ chuyên ngành quản lý về phát triển xây dựng đô thị, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn cùng với các Bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các đối tác quốc tế, các cấp chính quyền địa phương để cùng thúc đẩy đô thị hóa thông minh và phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu cốt lõi vì chất lượng cuộc sống, phát triển con người và bền vững.
Duy Anh