XEM VIDEO:
Trong 11 năm (1954-1965), cuộc đấu tranh của quân dân Vĩnh Linh để bảo vệ hiệp định Genève, bảo vệ đầu cầu miền Bắc diễn ra quyết liệt. Ký ức về cuộc chiến không chỉ bằng vũ khí mà còn là đấu tranh chính trị luôn in đậm trong ông Nguyễn Thanh Hà.
Theo hiệp định Genève năm 1954, vĩ tuyến 17 nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là giới tuyến quân sự tạm thời cho đến khi tổng tuyển cử toàn quốc. Cấp trên cho thành lập 10 đồn công an vũ trang, nhưng nòng cốt vẫn là đồn công an vũ trang Hiền Lương.
Nhắc đến đấu tranh chính trị trên giới tuyến 17, câu chuyện được các cựu chiến binh và nhân dân nơi đây kể lại nhiều nhất chính là chuyện “đấu cờ”, “chọi cờ” giữa hai bên chiến tuyến.
Cột cờ Hiền Lương ngày nay |
Cột cờ Hiền Lương được xây dựng ở bờ Bắc sông Bến Hải nhằm xây dựng một biểu tượng về ý chí và tinh thần bất khuất của cả dân tộc hướng tới thống nhất liền một dải hai miền. Bởi thế, cuộc đấu tranh bảo vệ cờ được coi là sinh tử.
Theo quy định của hiệp định Genève, các đồn trạm công an dọc hai bờ Hiền Lương được phép treo cờ lên hàng ngày. Việc treo cờ thực tế không hề đơn giản. Dưới bom đạn của quân thù, các chiến sĩ đồn công an Hiền Lương đã kiên cường chiến đấu bảo vệ và giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời giới tuyến.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đó, đã có 2 chiến sỹ công an và 11 dân quân Hiền Lương anh dũng hy sinh.
Niềm tin sắt đá vào ngày thống nhất
Trôi trong miền ký ức, Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên phân đội trưởng phân đội 1, Công an giới tuyến nhớ lại:
Để thực thi nhiệm vụ, 100 cán bộ chiến sĩ từ 3 đại đội 354, 340, 348 thuộc huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh đã chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập “Đại đội công an giới tuyến” trực thuộc phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong tiểu ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên.
Đến năm 1959, ta thành lập Khu công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Các đơn vị đồn trạm từ Cửa Tùng đến Cù Bai triển khai thành 10 đồn và 1 trạm biên phòng giới tuyến. Tất cả đều chung một niềm tin sắt đá vào ngày thống nhất.
Nhân kỷ niệm 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1954), Ban liên hợp đình chiến Bình Trị Thiên giao nhiệm vụ cho phân đội 1 Công an Hiền Lương dựng cờ trước đồn công an giới tuyến.
Cột cờ ở Bắc cầu Hiền Lương sau tháng 10/1967 |
Ban đầu, các chiến sĩ phân đội tìm được cây phi lao cao 12m đêm về làm cột cờ vào ngày Quốc khánh. Lá cờ được treo lên có kích thước 3,2-4,8m (thời gian này hầu hết các đồn trạm dọc bờ Bắc giới tuyến đều treo cờ 0,8-1,2m).
Trong khi đó ở bờ Nam, Pháp dựng trên nóc lô cốt Xuân Hòa cột cờ cao 15m. Lúc này, việc đi lại trên cầu Hiền Lương còn tự do nên bà con ở bờ Nam trực tiếp sang bờ Bắc yêu cầu các chiến sĩ công an phải tìm cách nâng chiều cao cột cờ của ta. Các chiến sĩ lại về Rú Lịnh (Vĩnh Nam - Vĩnh Hòa) tìm được cây gỗ cao 18m về thay.
Tháng 2/1956, phía bờ Nam dựng một cột cờ bằng thép cao 30m. Do bị “khóa tuyến” nên việc đi lại trên cầu Hiền Lương không còn được tự do nữa. Bà con bờ Nam phải tìm cách nhắn sang bờ Bắc yêu cầu chiến sĩ ta tìm mọi cách để cột cờ bờ Bắc cao hơn.
Chính phủ Hà Nội giao cho Cục Cơ khí điện nước chịu trách nhiệm thiết kế, thi công cột cờ Hiền Lương. Tháng 7/1957, nhân kỷ niệm 3 năm ngày ký hiệp định Genève, một cột cờ cao 34,5m được làm tại Hà Nội và vận chuyển vượt gần 600km, qua 10 ngày đêm gian khổ để đưa vào giới tuyến. Sau khi dựng xong, trên đỉnh cột cờ treo lá cờ kích cỡ 12-8m. Trên đỉnh lá cờ gắn ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m.
Từ đó, lá cờ Tổ quốc đầu cầu giới tuyến luôn tung bay trong niềm vui sướng của bà con hai bờ Nam - Bắc. Chính quyền ở bờ Nam khi ấy lại vội vàng tôn cột cờ cao lên 35m. Được sự điều động của Hà Nội, một cột cờ do Tổng công ty lắp máy Việt Nam gia công và vận chuyển vào Hiền Lương đã dựng lên cao 38,6m. Cột cờ được thiết kế cách đỉnh 10m có một cabin để các chiến sĩ công an Hiền Lương có thể đứng thu và treo cờ dễ dàng.
Để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay
Theo quy định, cờ được kéo lên từ 6h30-18hh30, nhưng để bà con nhìn thấy cờ luôn tung bay, các chiến sĩ ta đã kéo lên từ sớm và hạ xuống muộn hơn. Vào dịp Tết hay Quốc khánh thì cờ được duy trì 24/24h.
Đầu cầu phía Nam không nâng cao cột cờ nữa dù có thừa điều kiện và phương tiện. Một trong những lý do khiến Đại đội cảnh sát giới tuyến không dám đề nghị cấp trên nâng thêm cột cờ vì chính những cảnh sát ở bờ Nam cũng không dám chấp nhận hiểm nguy khi ở trên cao lúc treo cờ.
Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên phân đội trưởng phân đội 1, Công an giới tuyến |
Ông Hà chia sẻ về cuộc chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc |
Cuộc chiến khẳng định sự thắng thua về quy mô cột cờ giữa hai bờ kết thúc.
Khi cuộc đối đầu hai bên chuyển từ tranh chấp hòa bình sang vũ lực, mục tiêu đầu tiên của chính quyền bờ Nam là hủy diệt ngọn cờ ở bờ Bắc. Từ tháng 2/1965, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Vĩnh Linh với quy mô và cường độ ngày càng dữ dội, cột cờ Hiền Lương trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Cuộc chiến đấu bảo vệ, giữ vững ngọn cờ giới tuyến của quân dân Vĩnh Linh diễn ra hết sức quyết liệt.
Từ ngày 19/5/1956 - 28/10/1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo 267 lá cờ các cỡ. Từ năm 1967 trở đi, công an Hiền Lương thêm 11 lần dựng cờ bằng cột gỗ cao 12-18m với 42 lần thay lá cờ. Trong cuộc chiến bảo vệ cờ ấy, 2 chiến sĩ công an và 11 dân quân Hiền Lương đã hy sinh.
Từ năm 1960, việc đi lại nhận và vận chuyển cờ gặp nhiều khó khăn nên Ban hậu cần CAND vũ trang Vĩnh Linh đề nghị cấp một máy may để chủ động trong việc may, vá cờ. Để hoàn thành một lá cờ hết 122m vải đỏ và 12m vải vàng, người may phải can 10 khổ cờ (8,8-1,2m) vào với nhau, mất 5-6 ngày mới hoàn thành. Về sau thời gian rút xuống còn 2-3 ngày.
Việc may cờ lúc đầu được thực hiện ở khu vực Hiền Lương nhưng đến khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, công việc này chuyển về xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Trung. Cờ may xong được vận chuyển bằng xe đạp vào đồn công an Hiền Lương.
Về Quảng Trị những ngày này, ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong hòa bình thống nhất, thế hệ hôm nay càng biết ơn cha ông, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Diệu Thúy - Hiền Anh
Những người chèo đò giữa mưa bom qua sông Bến Hải
Hàng ngàn chuyến đò ngược xuôi đưa đón bộ đội và vũ khí sang bờ Nam. Bao năm trôi qua, những dân quân nơi đây kẻ còn, người mất.