Nước Mỹ đã và đang chứng kiến những khoản đầu tư bùng nổ một cách đầy ấn tượng, chẳng hạn như xây dựng đường sắt vào những năm 1860, ngành công nghiệp ô tô Detroit ở những năm 1940 hay kỹ thuật khai thác thuỷ lực cắt phá ở thế kỷ này. Giờ đây, những khoản đầu tư mới vẫn đang thu về mức lời rất lớn, nhưng thay vì thép và cát thì họ đổ tiền vào kịch bản, âm thanh, màn ảnh và người nổi tiếng.
Khi mô hình kinh doanh mà Netflix là "người đi tiên phong" bị sao chép lại bởi hàng chục đối thủ, thì hiện đã có hơn 700 triệu lượt đăng ký đang xem phim trực tuyến trên khắp hành tinh. Khoản tiền rót vào nội dung của lĩnh vực này là rất lớn, khoảng 100 tỷ USD trong năm nay, tương đương với lượng đầu tư ngành dầu mỏ của Mỹ. Tổng cộng, ngành kinh doanh giải trí đã chi 650 tỷ USD cho những thương vụ mua lại và lập trình trong 5 năm qua.
Sự phát triển của ngày hôm nay là kết quả của 20 năm sáng tạo. Những công nghệ và ý tưởng mới đã khiến ngành âm nhạc "rung chuyển" và giờ là truyền hình. Hiện tại, nhiều người cho rằng sự thay đổi của nền kinh tế đi kèm với tình trạng mức sống kém đi, như mất việc, bị bóc lột hay sống trong sự độc quyền trên thế giới ảo của các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh "bom tấn" này là một lời nhắc nhở rằng thị trường năng động có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, với mức giá hấp dẫn hơn và chất lượng tốt hơn. Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa đưa ra động thái đáng kể đối với sự bùng nổ này, nhưng khi chắc chắn lên đến nó đỉnh cao thì họ sẽ phải vào cuộc, bằng cách đảm bảng rằng thị trường này vẫn mở rộng và hoạt động sôi nổi.
Ngành kinh doanh giải trí đang phát triển nhanh chóng, nhờ bản chất của chính nó. Tuy nhiên, ngành này lại có ít tài sản hữu hình, vì chủ yếu dựa vào công nghệ để phân phối sản phẩm và khách hàng thì rất muốn thấy những ý tưởng mới lại. Sự xuất hiện của âm thanh trong những năm 1920 đã giúp Hollywood trở thành trung tâm của ngành kinh doanh phim ảnh trên toàn cầu.
Thế nhưng, đến cuối thế kỷ 20, ngành này lại phát triển theo hướng thoả mãn với những gì đã đạt được, như một tập phim lặp đi lặp lại của bộ phim "Friends". Nó phụ thuộc vào các công nghệ cũ, như phát sóng trên TV, tốc độ kết nối internet chậm chạp và lưu trữ âm thanh, hình ảnh trên các đĩa CD, DVD hay ổ cứng. Ngoài ra, cách tiếp cận về thương mại đã "hút tiền" của khác hàng bằng cách tính phí cao cho nội dung cũ.
Biến chuyển mạnh lần đầu tiên diễn ra trong ngành âm nhạc vào năm 1999, khi các dịch vụ internet sớm khiến các công ty sản xuất nhạc, như Emi và Warner Music, chịu áp lực. Về mảng truyền hình, Netflix đã tạo ra sự khác biệt khi sử dụng đường truyền kết nối băng thông rộng để bán lượt đăng ký xem video, với giá rẻ hơn dịch vụ của các công ty truyền hình cáp. Khi smartphone bùng nổ, Netflix đã thay đổi để dịch vụ phù hợp với các thiết bị cầm tay.
Công ty này như một chất xúc tác tạo nên sự cạnh tranh, buộc những "ma cũ" phải hạ giá dịch vụ và đổi mới, đồng thời thu hút những đối thủ mới. Sự bùng nổ này đã giúp các nhà biên kịch nổi tiếng được trả công hậu hĩnh không khác gì những "ngôi sao" ở Phố Wall, khiến giá thuê studio ở Hollywood tăng vọt và vượt mặt những ông trùm truyền thông của thế kỷ 20 - như Rupert Murdoch.
Giữa những thay đổi và thương vụ mới ra đời, thì mô hình kinh doanh mới đang trở nên rõ ràng hơn. Nó phụ thuộc vào băng thông và các thiết bị, chứ không phải những đường dây cáp, và lượng đăng ký sử dụng rất lớn mà không quảng cáo. Không như công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội, không công ty nào trong lĩnh vực truyền thông và phát video trực tuyến chiếm hơn 20% thị phần theo doanh thu. Các công ty này bao gồm Netflix, Disney, AT&T, Time Warner, Comcast và các công ty nhỏ mới nổi khác. Ngoài ra, 3 công ty công nghệ khác cũng hoạt động tích cực, YouTube (Alphabet sở hữu), Amazon và Apple, dù thị phần của họ vẫn nhỏ.
Sự thay đổi này đã tạo ra lợi nhuận bất ngờ cho nền kinh tế. Bên hưởng lợi đầu tiên là người tiêu dùng. Họ có nhiều lựa chọn hơn, với mức giá hấp dẫn hơn và có thể sử dụng nhiều dịch vụ phát video trực tuyến có giá dưới 15 USD, trong khi mức giá chung cho dịch vụ truyền hình cáp ở Mỹ là 80 USD trở lên. Năm ngoái, đã có 496 chương trình mới được sản xuất, cao gấp đôi so với năm 2010. Hơn nữa, chất lượng của mỗi show cũng được nâng cao, nhờ một số được đề cử giải Oscar, Emmy và đa dạng hoá nội dung.
Thứ hai, người lao động cũng có nhiều cơ hội hơn. Số lượng việc làm trong ngành giải trí, truyền thông, nghệ thuật và thể thao tại Mỹ tăng 8% từ năm 2008 và mức lương cũng tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, nhà đầu tư không còn thu lời từ lợi nhuận cao bất thường, nhưng những ai đầu tư vào "đúng công ty, đúng thời điểm" thì rất thuận lợi. Ví dụ, 1 USD đầu tư vào Netflix vào khoảng 10 năm trước, giờ đây đã được nâng lên 37 USD.
Dẫu vậy, sự bùng nổ cũng dẫn đến tình trạng vỡ tung. Không như WeWork, hầu hết các công ty giải trí đều có chiến lược hợp lý, nhưng nắm giữ quá nhiều tiền mặt lại là điều nguy hiểm. Netflix hiện đang "đốt" 3 tỷ USD một năm và cần nâng giá dịch vụ lên 15% thì mới có thể hoà vốn, đây là nhiệm vụ khó khăn khi họ phải cạnh tranh với hơn 30 đối thủ khác. Công ty này hy vọng rằng sự phát triển nhanh chóng của thị trường quốc tế sẽ tạo lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Cũng như tình trạng bão hoà khi xuất hiện quá nhiều dịch vụ, mối nguy hiểm khác là nợ. Các thoả thuận cùng mức chi tiêu lớn đã khiến Netflix chìm trong 500 tỷ USD nợ.
Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp ngành kinh doanh giải trí trở nên cạnh tranh. Đầu tiên, họ phải ngăn không cho phép bất kỳ công ty nào, kể cả những "gã khổng lồ", chiếm thị phần lớn trong kinh doanh nội dung. Thứ hai, họ cần yêu cầu các công ty sở hữu cổng thông tin nội dung, chẳng hạn như các công ty viễn thông hoặc nhà cung cấp thiết bị cầm tay như Apple, có chính sách mở rộng quyền tiếp cận và không phân biệt đối xử với các công ty sản xuất nội dung cụ thể. Cuối cùng, chính phủ nên đảm bảo rằng người đăng ký có thể chuyển dữ liệu cá nhân từ hãng này sang hãng khác, để họ không xu hướng chỉ dùng 1 dịch vụ.
Từ trước đến nay, không có nhiều người tìm đến Hollywood để học kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp giải trí cũng góp mặt trên thị trường vốn hoạt động sôi nổi. Các công ty được mua lại, thị trường chứng khoán và trái phiếu rác đều đã thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc của ngành này. Những ngôi sao của ngành này cũng là doanh nhân tỷ phú, điển hình là Reed Hasting - ông chủ của Netflix. Ngoài ra, những khu vực bên ngoài nước Mỹ cũng tạo "điều kiện vàng" cho họ, bởi nhân tài đến từ khắp nơi trên thế giới và lượt đăng ký dịch vụ đến từ nhiều nước khác nhau.
Theo GenK