Chiếc thuyền buồm San José của Tây Ban Nha bốc cháy ngoài khơi bờ biển Cartagena, Colombia.

Con tàu trước đó đã giao tranh với quân Anh từ chiều muộn, và cho đến khi đêm xuống, chiến thuyền có 62 khẩu đại bác đã biến mất vào lòng biển Caribbe. Cùng chìm với tàu là gần 600 người cùng số vàng, bạc và ngọc trị giá tới 20 tỷ USD. Giờ đây, sau khi xác định được vị trí con tàu, một cuộc tranh cãi pháp lý lại nổ ra giữa Chính phủ Colombia và Tây Ban Nha cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm.

Trận chiến trên biển

San José là con tàu thuộc quyền sở hữu của nhà vua Philip V (Tây Ban Nha). Đó là một tàu chở hàng có vũ trang mang 64 khẩu súng pháo, 3 cột buồm của Hải quân Tây Ban Nha. Nó được hạ thủy vào năm 1698. San José được thiết kế bởi Francisco Antonio Garrote và được Pedro de Aróstegui đóng tại xưởng đóng tàu ở Mapil, Usurbil, Tây Ban Nha. Việc đóng tàu bắt đầu vào năm 1697 và kết thúc vào năm 1698. Pedro de Aróstegui đã đóng cùng lúc 2 tàu và đặt tên cho chúng là San Jose và San Joaquin.

San José và San Joaquin là một phần của hạm đội kho báu Tây Ban Nha trong Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, dưới thời Tướng Jose Fernsndez de Santillán, Bá tước của Casa Alegre. Tàu San José rời thành phố cảng Portobelo của Panama vào cuối tháng 5-1708. Khi khởi hành, nó chất đầy vàng, bạc và đá quý được khai thác từ xứ Peru mà lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha, ước tính có trị giá khoảng gần 20 tỷ USD theo thời giá ngày nay. Số của cải này theo kế hoạch sẽ được chuyển về cho Vua Philip V của Tây Ban Nha.

Thuyền trưởng Jose Fernandez de Santillan biết rằng quân Anh, có thể đã dàn tàu đợi sẵn để tấn công ở Cartagena, nơi mà trong dự định sẽ là một điểm dừng ngắn để sửa chữa tàu San José trước khi bắt đầu hành trình dài hơn tới Havana, Cuba, và sau đó đến Tây Ban Nha. Nhưng thuyền trưởng vẫn cho tàu tiến lên. Một trận chiến trên biển giữa hải quân Anh và hải quân Tây Ban Nha hồi thế kỷ XVIII. 

Đến tối 8-6-1708, trận chiến giành kho báu của tàu San José bắt đầu. Hải quân Anh đã ba lần tìm cách xông lên chiếm tàu, Gonzalo Zuiga, người trông coi Bảo tàng Hải quân Caribe ở Cartagena, nói. Con tàu có thể đã mất một cánh buồm, hoặc hành khách có thể nổi dậy chống lại thuyền trưởng - hầu hết là dân thường và không theo lệnh của ai cả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng không bên nào muốn chiếc thuyền buồm này và kho báu của nó bị chìm…

Hơn 300 năm sau, mỗi ngày rất nhiều thuyền máy nhỏ ngược xuôi trên mặt nước chở du khách đi biển đến các hòn đảo. Trong lúc đi trên biển, khó mà không tưởng tượng San José và kho báu của nó ở đâu dưới đó ngoài kia. Con tàu kho báu ngoài đời thực từ lâu đã trở thành đề tài rất lôi cuốn. 

Nhà văn Gabriel Garcia Marquez đã viết về nó trong tác phẩm "Tình yêu thời thổ tả" (Love in The Time of Cholera), trong đó nhân vật chính của tiểu thuyết, Florentino Ariza, đã lên kế hoạch lặn xuống biển để trục vớt của cải của San José cho tình yêu trọn đời của mình.

{keywords}
Bức tranh mô tả trận hải chiến giữa tàu San José (phải) và hạm đội tàu Anh trước khi bị đắm.

Cuộc chiến pháp lý

Năm 1981, một nhóm các nhà đầu tư từ Mỹ có tên Glocca Mora Co. hoạt động dưới tên "Sea Search Armada" (SSA) tuyên bố đã tìm thấy con tàu ngoài khơi Colombia. Xác tàu được phát hiện bị chôn vùi gần quần đảo Rosario thuộc hải phận Colombia, nhưng Colombia đã từ chối ký đề nghị chia phần 65%-35% của Glocca Mora Co. và từ chối cấp phép cho SSA thực hiện trục vớt đầy đủ tại địa điểm tàu đắm.

Quốc hội Colombia sau đó đã thông qua một đạo luật trao cho nhà nước quyền đối với tất cả các kho báu trong lãnh thổ và lãnh hải, chỉ để lại cho SSA phí tìm kiếm 5%, nhưng bị đánh thuế ở mức 45%. SSA đã kiện Colombia tại tòa án của nước này vào năm 1989. Tháng 7-2007, Tòa án Tối cao Colombia đã kết luận rằng bất kỳ kho báu nào được thu hồi sẽ được chia đều giữa Chính phủ Colombia và các nhà thám hiểm. 

Không hài lòng với phán quyết đó, Sea Search Armada sau đó đã khởi kiện Colombia tại Tòa án Mỹ, nhưng vụ kiện đã bị bác bỏ hai lần vào năm 2011 và 2015 vì lý do kỹ thuật, và chiếc tàu đã được tuyên bố là tài sản của nhà nước Colombia. Chính phủ Colombia từ chối xác minh chiếc tàu nằm ở tọa độ được nêu trong vụ án.

{keywords}
Những vật dụng trên tàu San José.

Ngày 27-11-2015, tàu San José được một tàu ngầm tự hành có tên là REMUS 6000 do Viện Hải dương học Woods Hole có trụ sở ở Mỹ vận hành "chính thức" phát hiện ra. Phương tiện tự hành dưới nước dài gần 4m này có thể khám phá sâu tới 6km dưới mặt nước biển và có thể đạt độ sâu cách phía trên tàu San José chỉ 9 mét để chụp ảnh chiếc thuyền buồm này, cũng như những khẩu đại bác bằng đồng có chạm khắc hình cá heo. Đó là những đặc điểm giúp các nhà nghiên cứu phân biệt được San José.

Chính phủ Colombia chưa hề tiết lộ vị trí chính xác của chiếc tàu nổi tiếng, vốn thường được coi là "chén thánh" trong thế giới xác tàu đắm. Nhưng San José được cho là nằm gần Quần đảo Rosario, quần đảo nhiệt đới và là công viên quốc gia, cách thành phố Cartagena 40km. Chính phủ Colombia đã tuyên bố tàu San José là một phần của di sản đất nước, do đó chính phủ có nghĩa vụ để bảo vệ và bảo tồn con tàu. "Đây là khám phá di sản dưới đáy biển vĩ đại nhất lịch sử của nhân loại" - Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói. 

Chính phủ Colombia đã phân loại các thông tin liên quan đến vị trí của San José là bí mật quốc gia. Trong khi đó, Tây Ban Nha cho rằng tàu San Jose được thiết kế, đóng, hạ thủy và treo cờ Tây Ban Nha nên vẫn là tài sản của nước này. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) cũng đã thông báo Chính phủ Colombia không được khai thác thương mại xác tàu.

Ông Ernesto Montenegro, Giám đốc Viện Nhân chủng học và Lịch sử Colombia, cho biết: "Thuyền buồm San José là một trọng tâm thông tin về lịch sử thuộc địa. Nó đại diện cho gần 300 năm lịch sử cai trị thuộc địa của châu Âu, nhất là Tây Ban Nha, ở châu Mỹ".

Năm 2018, cựu Tổng thống Santos viết trên Twitter: "Tàu San Jose chìm trong vùng biển của đất nước là một trong những phát hiện vĩ đại nhất của lịch sử. Với luật về di sản văn hóa chìm dưới nước, chúng ta có thể trục vớt nó".

{keywords}
 

Trục vớt hay không?

Năm nay, Chính phủ Colombia cũng đã hoãn ký hợp đồng với một công ty tư nhân khác để trục vớt kho báu của San José. Hợp tác với một công ty trục vớt tư nhân một lần nữa có thể phân chia kho báu San José và phải cho họ hưởng tới 45% kho báu - nghĩa là gồm tất cả những thứ không được phân loại là di sản văn hóa, những thứ vẫn cần được Colombia xác định.

"Nhân loại có quyền không thể chối cãi để được biết về tàu San José và biết đầy đủ về nó. Colombia cần phải đóng vai trò là người coi sóc xứng đáng. Điều đó có nghĩa là cần mở một bảo tàng ở Cartagena để trưng bày toàn bộ kho báu trên tàu", Francisco Muoz, sử gia đã nhiều năm nghiên cứu về San José nói.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, đó là dự án không thể hấp tấp được. "Con tàu này đã chìm trong 300 năm và điều này đảm bảo quyền được bảo tồn", nhà khảo cổ học dưới nước Juan Guillermo Martín nói. "Nếu ở Colombia chúng ta không có điều kiện ngay bây giờ để đảm nhận việc trục vớt... thì trục vớt không nghĩa lý gì. Đó là nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm đối với di sản Colombia, nhưng cũng là trách nhiệm đối với nhân loại."

Cho đến khi tàu San José được trục vớt, một bảo tàng dành cho người dân và du khách đến thưởng thức vẫn là một chặng đường dài. Và người dân Colombia vẫn chưa giành được sự bảo đảm rằng con tàu quý giá này sẽ ở lại trong biên giới của họ.

Còn bây giờ, du khách đến Cartagena và Quần đảo Rosario vẫn có cơ hội nhìn xa ra phía biển và hình dung chiếc thuyền buồm này trong tình trạng của nó ngày nay: nép dưới đáy đại dương và trong lòng nó vẫn là kho báu.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)