Trung Quốc đã tạo ra một cuộc chiến máy bay không người lái nguy hiểm ở khu vực. Đã 1 năm trôi qua kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc leo thang.

Mục tiêu của Nhật là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra với Trung Quốc - nước tuyên bố "chủ quyền không tranh cãi" với quần đảo ở biển Hoa Đông.

{keywords}
Ảnh: foreignpolicy

Bất chấp ý định của Nhật, Bắc Kinh phản ứng việc "quốc hữu hóa" đảo bằng cách phong tỏa vùng biển, không phận xung quanh với tàu và máy bay Trung Quốc. Động cơ của Bắc Kinh là làm suy yếu sự quản lý của Nhật với quần đảo này kể từ năm 1971. Sự xâm nhập của Trung Quốc trở nên thường xuyên tới mức lực lượng phòng vệ không quân Nhật điều động máy bay chiến đấu gần như hàng ngày để đối phó.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, người ta có thể quên đi tin tức hồi đầu tháng 9 về việc máy bay F15 của Nhật đã cất cánh khi Bắc Kinh "kỷ niệm" một năm Tokyo mua đảo bằng cách điều động máy bay không người lái (UAV) hướng tới khu vực tranh chấp. Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái Trung Quốc tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư.

Quan chức Nhật phản ứng khi cho rằng, Nhật có thể phải đưa nhân viên chính phủ tới quần đảo - một "ranh giới đỏ" mà Bắc Kinh chưa từng nghĩ tới trong vài năm trước.

Ở đây còn có một động cơ được toan tính lớn hơn. Việc đưa máy bay không người lái nội địa vào môi trường chiến lược châu Á sẽ tạo ra thêm sự bất ổn và leo thang tranh chấp ở Biển Đông cũng như Hoa Đông. Thậm chí dù không có chính phủ nào muốn can thiệp hay bị lôi kéo vào một cuộc chiến quyền lực lớn, nhưng người ta ngày càng lo ngại rằng, xung đột quân sự sẽ là kết quả của những sự cố nhỏ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Kích hoạt ngòi nổ

Các hệ thống không người lái có thể kích hoạt ngòi nổ nói trên. Chi phí cho việc sản xuất và vận hành ít hơn các loại máy bay có người lái, nghĩa là chúng ta có thể chứng kiến ngày càng có nhiều UAV lượn trên bầu trời, vùng biển khu vực trong thời gian tới. UAV còn được khuyến khích sử dụng bởi không đặt sinh mạng phi công vào vòng nguy hiểm. Nhưng sự cố hay hỏng hóc phần mềm hoặc hệ thống liên lạc có thể khiến sứ mệnh thất bại.

Vấn đề cơ bản không chỉ nằm ở chính bản thân UAV. Châu Á đang trong giai đoạn chạy đua vũ trang đáng lo ngại. Quân đội Trung Quốc ngày một hiện đại hóa với mục tiêu phủ nhận tiếp cận ở Biển Đông và Hoa Đông. Mặc dù Trung Quốc lập luận chiến lược của họ là để phòng thủ, nhưng các khả năng họ theo đuổi và lựa chọn là thiết lập một "chu vi phòng thủ" với các tên lửa dẫn đường, đạn đạo tầm xa; tàu sân bay, tàu ngầm... về bản chất là tấn công tác chiến. Trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, khi căng thẳng gia tăng, Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để sử dụng các khả năng này, đặc biệt là tên lửa trước khi họ trở thành mục tiêu của Mỹ hay các đối thủ khác.

Cùng lúc đó, cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng trở nên mong manh ở Thái Bình Dương khi chính phủ mỗi nước đều nỗ lực theo đuổi các khả năng quân sự hiện đại. Các quốc gia có khả năng và tài nguyên đều nhanh chóng thúc đẩy chiến dịch hiện đại hóa quân đội (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia). Điều này có nghĩa là ngoài hai cường quốc lớn đua tranh quân sự, khu vực còn diễn ra cạnh tranh công nghệ quân sự giữa những nơi khác khiến bất ổn gia tăng. Sẽ nguy hiểm hơn khi ngày càng có nhiều công nghệ quân sự xuất hiện như nhanh chóng phổ biến máy bay không người lái, tàu lặn và các khả năng tấn công mạng hiệu quả.

Rất may, sự đụng độ đầu tiên giữa một UAV Trung Quốc và máy bay chiến đấu có người lái Nhật Bản không gây sự cố lớn. Nhưng nó đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Làm sao để hạn chế sự xâm nhập ngày một nhiều và khiêu khích hơn từ UAV Trung Quốc? Mỗi nước sẽ phản ứng thế nào trong bối cảnh UAV bị bắn hạ? Tác động chính trị ra sao? Vấn đề sẽ giải quyết thế nào trong một cuộc khủng hoảng, khi những người chơi có động lực mạnh mẽ để tấn công phủ đầu?

Bộ Quốc phòng Nhật được cho là đang cân nhắc chọn lựa cho phép bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nào tiến vào không phận của họ.

Giải quyết vấn đề trong một môi trường chiến lược nhiều đối đầu là rất khó khăn. Mỹ và Trung Quốc vẫn bất hòa về các hoạt động giám sát do thám của Mỹ ở các khu vực nhạy cảm xung quanh Trung Quốc. Bắc Kinh đang theo đuổi một trong những chương trình UAV quan trọng nhất trên thế giới; Nhật thì tính mua Global Hawks; Hàn Quốc lên kế hoạch tương tự trong khi tự xây dựng các khả năng UAV nội địa; Indonesia cũng tìm kiếm xây dựng một phi đội UAV.

Thái An (theo Foreign Policy)