Thuê ướt máy bay (thuê cả tổ lái và tiếp viên) là phương án hợp lý cho Bamboo Airways trong thời gian đầu vận hành. Phần vì tiếp viên của hãng còn chưa đủ kinh nghiệm, phần vì tìm phi công đang là một bài toán khó.
Tìm phi công khó hơn tìm vàng
Còn nhớ vào đầu tháng 6/2018, phi công của Vietnam Airlines đã đình công tập thể để phản đối những chính sách mà họ cho là “trói chân người lao động” của hãng bay.
Trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của Vietnam Airlines nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo.
Trong khi lượng máy bay quốc tịch Việt Nam đang ngày một nhiều lên, lượng phi công đào tạo mới lại không theo kịp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, nhóm phi công này cho rằng thu nhập của họ thấp hơn thu nhập của đồng nghiệp người nước ngoài dù khối lượng công việc là tương đương nhau.
“Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với Vietnam Airlines rất nhiều nhưng không nhận được sự hợp tác. Môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không...”, đại diện nhóm phi công trên cho hay.
Hơn nữa, nhóm này còn cho rằng hãng bay đang làm khó phi công muốn nghỉ việc khi hợp đồng lao động có nhiều điều khoản nghỉ việc mà họ cho là vô lý như phải báo trước 120 ngày hay phải bồi thường 2-3,5 tỷ đồng chi phí hỗ trợ đào tạo mà không có hoá đơn chứng minh.
Trường hợp của Vietnam Airlines cho thấy phi công Việt đang có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn cũng như có những đề nghị thu nhập tốt hơn khi bầu trời mở cửa.
Một phi công trẻ của Vietnam Airlines từng chia sẻ rằng đã từng có hãng bay nội khác mở lời mời anh và một vài đồng nghiệp sang đầu quân với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Tuy nhiên anh đã từ chối vì hài lòng với công việc hiện tại và được là phi công của hãng hàng không quốc gia là niềm tự hào mà anh không muốn đánh đổi.
Vẫn có nhiều phi công khác không cùng quan điểm trên và các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng chính là trở ngại cuối cùng khiến họ không chuyển sang các hãng bay khác để hưởng mức lương tốt hơn.
Nếu Vietnam Airlines gặp khó khăn trong việc giữ chân phi công thì những hãng bay mới như Bamboo Airways hay Vietjet Air lại gặp khó trong việc tuyển người cầm lái.
Trước thời điểm cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, Bamboo Airways liên tục đăng tuyển phi công.
Các hãng bay đang cần số lượng lớn phi công để phục vụ sức tăng trưởng nóng của thị trường hàng không Việt Nam. Tuy nhiên lượng cung đáp ứng đủ yêu cầu về giờ bay, bằng lái lại ít ỏi khiến tuyển dụng phi công trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt không kém cạnh tranh về thị phần.
“Để đào tạo một phi công, chi phí phải bằng lượng vàng nặng đúng bằng phi công đó”, lãnh đạo trường đào tạo phi công Bay Việt từng nói về sự tốn kém của quá trình đào tạo phi công. Có thể nói hiện tại, việc tìm phi công để tuyển cũng khó hơn tìm vàng.
Đại diện một hãng bay lớn của Việt Nam cũng từng chia sẻ rằng để giảm áp lực cạnh tranh tuyển dụng phi công, hãng này thường tìm đến nguồn phi công nước ngoài để giảm phụ thuộc vào nguồn cung trong nước.
Tới 2030, Việt Nam cần 200 phi công mới mỗi năm
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Hiện có 171 tàu bay khai thác mang quốc tịch Việt Nam và dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 tàu bay mang quốc tịch Việt.
Theo tính toán từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hiện tại, chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công nên hầu hết phải đào tạo tại nước ngoài, khiến chi phí đào tạo tăng cao, và không chủ động được nguồn nhân lực.
Theo Cục Hàng không, từ nay tới năm 2030, Việt Nam cần khoảng 200 phi công mới mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Vì vậy việc thành lập trung tâm huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam là rất cần thiết và là chiến lược quan trọng của ngành hàng không dân dụng trong giai đoạn hiện nay”, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.
Hiện trường đào tạo phi công Bay Việt vẫn là tổ chức huấn luyện duy nhất được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn với nhiệm vụ đào tạo phi công cho hàng không Việt Nam. Tổ chức này đang triển khai các khóa đào tạo huấn luyện phi công cơ bản với số lượng khoảng 100 học viên/năm. Chương trình đào tạo lý thuyết được thực hiện tại TP.HCM, chương trình thực hành được thực hiện tại nước ngoài.
Theo quy hoạch ngành được phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Cảng hảng không Rạch Giá được xác định là trung tâm đào tạo và huấn luyện bay cùng với các cảng hàng không khác như Chu Lai, Phú Bài, Đồng Hới...
Trung tâm này sẽ được vận hành bởi trường đào tạo phi công Bay Việt, khi đó sẽ được cấu trúc thành Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt. Đơn vị này dự kiến sẽ tạo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không.
Tuy nhiên đây vẫn còn là một kế hoạch dài hơi. Trong tương lai gần, phi công vẫn sẽ là của hiếm khiến các hãng bay “tranh giành” khi các hãng tuyên bố mua hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay mới nhưng không tiết lộ nguồn phi công sẽ điều khiển lượng máy bay này.
(Theo Zing)