Tên lửa truyền thống, giá hàng trăm ngàn cho đến cả triệu USD, có khả năng bay nhanh, mang theo lượng thuốc nổ khổng lồ cùng khả năng khó bị bắn hạ, từng là “mũi nhọn” của bất kỳ cường quốc quân sự nào trên thế giới.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm trên chiến trường hiện tại lại đang thuộc về những thiết bị bay không người lái nhỏ gọn, rẻ tiền và dễ dàng bị bắn hạ, nhưng có số lượng vượt trội đủ khiến mọi hệ thống phòng không phải bối rối.
Chiến trường Ukraine - “sân thử” công nghệ drone quân sự
Công nghệ từng chỉ được sở hữu bởi quân đội của các quốc gia phát triển, nay đang khiến cả thế giới phải quan ngại, với hình ảnh những chiếc máy bay không người lái (drone/UAV) gắn thuốc nổ cảm tử tại chiến trường Ukraine.
Công nghệ máy bay không người lái quân sự đã đạt được nhiều tiến bộ trong vài thập kỷ trở lại đây. Sau chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973, người Do Thái đã triển khai loại vũ khí này cho mục đích trinh sát. Kể từ đó, nhiều kỹ sư của quốc gia này đã tới Mỹ, nơi có hệ thống điều khiển và động cơ tiên tiến hơn để cho ra đời nhiều mẫu drone mới. Tiếp đó, Mỹ đã lần lượt triển khai drone vũ trang tại Afghanistan và Iraq.
Năm 2011, model drone RQ-170 của Mỹ bị can thiệp điện tử rơi vào tay Iran. Đến năm 2018, Israel thu giữ được phiên bản copy RQ-170 do quốc gia Hồi giáo sản xuất, cho thấy nước này đã đạt được khả năng sản xuất quy mô lớn dựa trên “chiến lợi phẩm” thu được của Mỹ.
Chưa dừng lại, còn có thông tin cho rằng chiếc drone do Mỹ sản xuất bị bắn hạ vào năm 2011 đã nhanh chóng được chuyển tới Trung Quốc, góp phần vào việc giúp Bắc Kinh trở thành một trong những cường quốc máy bay không người lái hàng đầu thế giới.
Hiện nay, cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành sàn diễn và sân thử nghiệm cho các công nghệ drone mới nhất từ các quốc gia khác nhau. Phương Tây cho rằng Nga đang sử dụng các phương tiện do Iran sản xuất, chẳng hạn như mẫu drone Shahed series có khả năng mang theo tên lửa cỡ nhỏ. Trong khi đó, Mỹ đang viện trợ cho lực lượng quân đội Ukraine các drone cảm tử do nước này sản xuất.
Vào tháng 4, các linh kiện có xuất xứ từ Nhật Bản, gồm camera và dây cáp, đã được tìm thấy trong chiếc máy bay không người lái do thám Orlan-10 của Nga bị quân đội Ukraine bắn hạ. Phương Tây cho rằng Moscow đã tìm cách mua linh kiện trái phép do các lỗ hổng của lệnh cấm vận, hoặc chế tạo bằng bộ phận và động cơ sẵn có của các phiên bản drone dân sự.
Các học thuyết quân sự về chiến tranh trong tương lai, với hiệu quả của drone trong tác chiến thực tế, đã kéo theo sự phát triển của các công nghệ hỗ trợ như hệ thống dẫn đường, trí tuệ nhân tạo tích hợp trong nhận diện kẻ địch và ra quyết định tấn công. Ngoài ra cũng phải kể đến các hệ thống có khả năng ngăn chặn nguy cơ từ những chiếc máy bay không người lái này.
Sự gia tăng sử dụng drone trong tác chiến khiến Ukraine loay hoay đối phó. Hiện quân đội Kiev vẫn đang phải sử dụng súng máy và pháo phòng không để đánh chặn, dù không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi vậy, những điều rút ra trong cuộc xung đột này đang cho thấy nhu cầu cần thiết phải xây dựng và triển khai các hệ thống phòng thủ đa dạng, chẳng hạn như radar phát hiện cải tiến, vũ khí năng lượng định hướng tiên tiến cho cuộc chiến tiềm tàng sau này.
Vũ khí laser - “át chủ bài” chiến tranh tương lai?
Trong khi drone đang ngày càng chứng tỏ vai trò trong chiến tranh hiện đại, thì vũ khí năng lượng định hướng như laser được coi là chìa khoá giải các bài toán trên chiến trường tương lai. Chẳng hạn, khi cuộc xung đột xảy ra, các nước phải đối phó với tên lửa bắn đi từ ngoài không gian, tên lửa hành trình lướt trên biển hay các đàn máy bay không người lái, những thứ rất khó có thể đánh chặn bằng hệ thống phòng không truyền thống.
Các loại vũ khí sử dụng năng lượng trực tiếp có ưu điểm về chi phí vận hành và không giới hạn số lần bắn. Trung bình, mỗi lần khai hoả, hệ thống laser chỉ tiêu tốn khoảng 3,5 USD, một con số gần như không đáng kể so với hàng trăm ngàn USD cần thiết cho 1 tên lửa đánh chặn thông thường. Chi phí nhân lực cũng giảm đáng kể so với một tàu khu trục hộ vệ tên lửa Aegis với thuỷ thủ đoàn 300 người.
Mỹ đã thử nghiệm laser năng lượng cao từ những năm 1960, trong khi đó Israel cũng đã bắt đầu nhảy vào cuộc đua nghiên cứu công nghệ này. Cuộc chiến tại Ukraine, với sự thành công trong tác chiến của máy bay không người lái ở cả 2 phe đã tạo thêm động lực để các quốc gia chuẩn bị những phương án đối phó với chiến thuật drone “bầy đàn” và các loại tên lửa khác trong chiến trường tương lai.
Vào tháng 2, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công sử dụng tia laser hạ gục tên lửa hành trình cận âm. Trong đó, hệ thống laser mặt đất đã vô hiệu hoá mục tiêu bằng chùm năng lượng cao không nhìn thấy bằng mắt thường.
“Hệ thống có thể chống lại các máy bay không người lái và tàu chiến tấn công nhanh bằng tia laser công suất cao, đồng thời sử dụng kính viễn vọng độ phân giải cao để theo dõi các mối đe doạ từ trên không, hỗ trợ nhận diện trong chiến đấu và đánh giá thiệt hại của các phương tiện quân sự trong giao tranh”, Hải quân Mỹ cho biết.
Dù vậy, không phải là không có những thách thức trong phát triển loại vũ khí công nghệ laser này. Một vài trong số đó là tốc độ “nạp đạn” cũng như khả năng khoá nhiều mục tiêu cùng lúc.
“Công nghệ laser không phải như trong phim viễn tưởng. Vũ khí laser hoạt động với tốc độ ánh sáng, nhưng cấn nhiều thời gian để chiếu đủ năng lượng tới mức vô hiệu hoá tên lửa”, Uzi Rubin, nhà sáng lập và giám đốc đầu tiên của Tổ chức Phòng thủ tên lửa trực thuộc Bộ Quốc phòng Israel cho biết. “Điều đó khiến hệ thống gặp khó khăn khi đối phó với nhiều rocket khác đang bay tới. Nếu kẻ địch phóng hàng trăm rocket cùng lúc, bạn chỉ có thể đối phó với từng quả một”.
Thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả loại vũ khí này, Rubin nói. “Chẳng hạn, tại miền bắc Israel chúng tôi có thể có 60 ngày mưa khiến vũ khí laser không thể hoạt động”.
Tiếp đó, công nghệ này cũng cần phát triển đầy đủ với sự tập trung nhân lực cao nhất. Rafael Advanced Defense Systems, nhà phát triển tham gia xây dựng và triển khai hệ thống phòng thủ Vòm Sắt tại Israel cho biết, dự án này đã phải tuyển dụng những người giỏi nhất của đất nước và làm việc liên tục trong 3 năm không ngừng nghỉ.
Thế Vinh