Đàn lợn top 5, thủy cầm top 2 thế giới
Báo cáo kết quả triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT, sau hơn 10 năm, chăn nuôi Việt Nam luôn phát triển với tốc độ cao, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh.
Giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... khẳng định giá trị thương hiệu với khu vực và trên thế giới.
Báo cáo cũng nêu rõ, nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm qua đàn bò sữa Việt Nam phát triển như vũ bão, trở thành nước có ngành chăn nuôi bò sữa đứng đầu Đông Nam Á |
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế đầu tư lớn trong phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi 2020-2030, tầm nhìn 2040 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận chăn nuôi có bước tăng trưởng ngoạn mục với những thành tựu nổi bật. Như thời kỳ trước, kỹ sư ra trường tiêu chuẩn được 4 lạng thịt, cho đến nay đã ngành chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc, hình thành hệ sinh thái bền vững theo hướng hiện đại,... sản lượng thịt đạt 5,4 triệu tấn.
Song, theo Bộ trưởng Cường, thời gian qua tốc độ phát triển ngành chăn nuôi rất nhanh nhưng mất cân đối, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu rổ thực phẩm. Ông cho rằng, cơ cấu như vậy thì đây là hợp lý còn bây giờ không. Bởi mức thu nhập bình quân người dân từ chỗ chỉ 400 USD/người/năm thì bây giờ tăng lên 3.000 USD/người/năm, nên đòi hỏi thực phẩm phải khác trước, điều này cần phải tính toán lại.
Vấn đề chất thải cũng chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, chăn nuôi vẫn còn tình trạng phải “giải cứu”, khâu chế biến còn yếu. Mục tiêu đưa ngành chăn nuôi thành ngành chính nhưng không thể như hiện nay khi nông nghiệp xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD/năm, nông lâm thủy sản xuất khẩu đi 120 quốc gia mà “soi kính hiển vi” mới chỉ thấy chút lợn sữa, trứng muối, mật ong,... xuất khẩu, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Phát triển chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã báo cáo xây dựng một chiến lược chăn nuôi mới có tầm nhìn xa hơn. Chiến lược này sẽ khắc phục những tồn tại căn cốt, tổ chức lại chăn nuôi, xác định những định hướng lớn cho phát triển, lấy 3 trục: kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân cường cũng yêu cầu chăn nuôi phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu, chăn nuôi phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn, 100 triệu tấn chất thải phải áp dụng công nghệ mới nhất để biến thành phân bón, sử dụng cho cây trồng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Chiến lược đề ra mục tiêu chung là đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong thời gian tới là làm hàng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu |
Mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm, giai đoạn 2026-2030 từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2030 đạt 6-6,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu từ 15-20% sản lượng. Sản lượng trứng, sữa đến năm 2030 là khoảng 23 tỷ quả và 2,6 triệu tấn sữa; đến 2030 tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến chiếm khoảng 40-50%.
Theo Thứ trưởng Tiến, dự thảo chiến lược đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, như: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi bao gồm chính sách đất đai, tài chính và tín dụng, thương mại…; Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi...
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chiến lược phát triển chăn nuôi 2008-2018 cũng là chiến lược đầu tiên của ngành, trong đó đã tập trung tái cấu trúc, tăng tỷ trọng trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên ngành chăn nuôi đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn, đó là quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao. Chăn nuôi quy mô hộ gia đình có mặt tốt nhưng khó kiểm soát dịch bệnh, năng suất, chất lượng hiệu quả không thể cao được. Tình hình kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường còn nhiều bất cập. Nơi nào chăn nuôi phát triển nhất thì cũng là nơi ô nhiễm nhất.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường còn yếu kém, nếu mở cửa thì chắc chắn sẽ khó cạnh tranh ngay tại nội địa vì những điểm yếu trong chất lượng sản phẩm, giá thành… Do đó, ngành chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung phải cụ thể hoá chiến lược. Mặt khác, chiến lược cũng là công cụ để kiểm soát phát triển, đặc biệt là các vấn đề môi trường, an toàn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng chiến lược dài hơi hơn, thậm chí tầm nhìn đến 2045-2050. Phát triển chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, yêu cầu phải có dự báo, tránh nuôi theo phong trào, không theo kế hoạch, chiến lược.
Hải Băng