Chia sẻ với VietNamNet ngay sau họp báo công bố danh sách 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định:

"Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, lại diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp, nhưng đã được tổ chức rất chuyên nghiệp, thành công và an toàn tuyệt đối".

Lần đầu tiên tỷ lệ ĐBQH dự kiến hoạt động chuyên trách đạt 38,6%

Nhìn vào kết quả bầu 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV như Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa công bố, ông đánh giá như thế nào về cơ cấu, thành phần, trình độ của các tân ĐBQH?

Nhìn vào kết quả bầu 499 ĐBQH cho thấy, tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp và cơ quan quản lý nhà nước giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ ĐBQH dự kiến hoạt động chuyên trách đạt 38,6% so với tổng số người trúng cử.

Trong đó, số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

{keywords}
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia

Ngoài ra, các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với dự kiến. Đặc biệt, cũng lần đầu tiên trong 9 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ ĐBQH là phụ nữ đạt trên 30%, (151 người, cao hơn 5,8% so với khóa XIV).

Đáng chú ý là trình độ chuyên môn của những người trúng cử ĐBQH khóa XV cũng có những chỉ tiêu cao hơn so với nhiệm kỳ trước, chẳng hạn, tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV.

Có được kết quả này chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm này đã được đúc rút qua lịch sử dân tộc và tiếp tục phát huy, tỏa sáng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng “đây là kỳ bầu cử đặc biệt”. Ông có thể phân tích rõ hơn tính đặc biệt của cuộc bầu cử lần này?

Đúng như khẳng định của GS-TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia  "đây là một cuộc bầu cử rất đặc biệt". Điều đó được thể hiện ở bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp và đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đáng chú ý là cuộc bầu cử được tiến hành trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội ở trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử ĐBQH, trừ giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra cam go với nhiều khó khăn, thử thách như cuộc bầu cử lần này, khi mà cùng lúc vừa phải thực hiện 3 nhiệm vụ.

Đó là tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật; vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.

Cuộc bầu cử lần này có quy mô rất lớn, thể hiện ở số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu. Với gần 70 triệu lá phiếu, cử tri đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất, đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương .

Dù bối cảnh nhiều khó khăn nhưng cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh, đặc biệt là được chuẩn bị từ rất sớm so với quy định.

Bên cạnh đó, nhân sự Hội đồng bầu cử Quốc gia có sự chuyển giao, nhưng những tiền đề, kết quả của các đồng chí trước đang làm, đã được các đồng chí sau kế thừa, phát huy hiệu quả.

Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Phải thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này có một số sự việc đáng tiếc như trước ngày bầu cử vẫn còn một số ứng cử viên xin rút; sau bầu cử có trường hợp không đủ điều kiện để xác nhận tư cách ĐBQH; một số nơi phải bầu lại (đại biểu HĐND) do vi phạm quy định. Từ những sự việc này, Hội đồng bầu cử quốc gia rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định, đến thời điểm này, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này có một số sự việc đáng tiếc xảy ra như nói trên.

Từ những sự việc này, để tổ chức thành công cuộc bầu cử trong các nhiệm kỳ tiếp theo, Hội đồng bầu cử quốc gia đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đó là phải bảo đảm thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Cùng với đó là làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu.

Ngoài ra, còn đòi hỏi phải tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng đến cử tri và nhân dân cả nước về bầu cử với nhiều hình thức, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại...

Một điểm vô cùng quan trọng nữa là cần bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng lịch trình, thời gian và các công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.

Đồng thời, phải phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong việc vận động khuyến khích người dân, cử tri cả nước tham gia giám sát các bước trong quá trình bầu cử góp phần tạo không khí tin tưởng, phấn khởi đối với cuộc bầu cử; nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của công dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.

Dự kiến 12/7, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ họp xem xét, xác nhận tư cách và cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa XV cho những người trúng cử.
Sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử dự kiến vào ngày 15/7.
Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV dự kiến vào ngày 20/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH. 

{keywords}

Thu Hằng - Vũ Điệp

Danh sách 499 Đại biểu Quốc hội khóa XV

Danh sách 499 Đại biểu Quốc hội khóa XV

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách Đại biểu Quốc hội khóa XV, báo VietNamNet trân trọng giới thiệu chân dung 499 vị Đại biểu Quốc hội.