Mời độc giả chia sẻ quan điểm và gửi tâm sự của mình đến chúng tôi. Biết đâu, câu chuyện của bạn có thể giúp ai đó tìm thấy sự đồng cảm, hoặc đơn giản là giúp chính bạn vơi đi những muộn phiền.
Tâm sự gửi về email: [email protected].
Lật từng bức ảnh trong cuốn album cũ, tôi nghẹn ngào rơi lệ. Những ký ức đã qua như một cuốn phim quay chậm, có những nụ cười hạnh phúc nhưng cũng không ít nỗi thất vọng, sự mệt mỏi khiến tôi muốn từ bỏ. Ở tuổi 65, tôi không còn kiên nhẫn được với hôn nhân nữa.
Hồi 30 tuổi, tôi từng nghĩ đến việc ly hôn, mang con về quê ở với mẹ. Nhưng thái độ của bố mẹ khiến tôi lưỡng lự. Tôi sợ bố mẹ sẽ buồn, thất vọng về đứa con gái này. Tôi cũng lo những lời dị nghị của hàng xóm sẽ làm khổ mình và bố mẹ.
Tôi cố gắng chịu đựng, một mình chăm sóc con cái vì suốt từ ngày sinh con, chồng chưa bao giờ dành thời gian cho chúng. Từ khi con còn ẵm ngửa đến lúc đi học, ông ấy chưa từng lo lắng cho con.
Cứ ngỡ lấy chồng sẽ được nương tựa, nhờ vả, nào ngờ chỉ thêm gánh nặng. Chồng tôi gia trưởng, vũ phu và cứng đầu. Sau kết hôn, tôi phải gánh vác tất cả việc trong nhà. Sáng đi làm, tối về lại tươm tất việc nhà cửa, có lúc mệt nhoài, tôi chỉ thèm một giấc ngủ mà thật khó.
Công việc kế toán khiến tôi càng thêm căng thẳng. Tôi ước mình có một người chồng hết lòng yêu thương và che chở nhưng chỉ là ước mơ mà thôi. Nhìn con thơ nằm ngủ, tôi lại nghẹn ngào nhẫn nhịn, cố gắng đợi con lớn thêm chút nữa mới lo cho mình.
Khi con cái trưởng thành, tôi nghĩ mình đã được nhẹ gánh nhưng chỉ là một phần. Lúc tôi bước sang tuổi 50, chồng vẫn không thay đổi. Những cuộc rượu chè, nhậu nhẹt càng nhiều hơn. Anh lấy lý do công việc đi tối ngày, không bao giờ về nhà ăn tối, có hôm không về hoặc về rất khuya, người đầy mùi rượu.
Tôi không chỉ lo cho con cái mà còn phải chăm sóc chồng như chăm một đứa trẻ. Chỉ cần tôi nhắc nhở một câu, càu nhàu một tiếng, chồng liền chửi bới, nói tôi là đàn bà lắm chuyện. Tôi mệt mỏi nhưng lại không dám nói ra vì sợ bị ăn đòn.
Nếu tôi có manh nha ý định ly hôn thì ai cũng cười: “Già rồi còn ly hôn gì nữa, cố bơ đi mà sống”.
Họ chỉ hiểu bề ngoài cuộc hôn nhân của tôi, cho rằng gia đình nào cũng có mâu thuẫn và “đàn ông không bao giờ hoàn hảo”. Nhưng sống với người chồng vô tâm, phó mặc con cái, việc nhà cho vợ lại không kiếm ra tiền, còn chơi bời, rượu chè, tôi nhận lại được gì?
Cả đời tôi chỉ biết hy sinh cho gia đình, chưa một lần dành thời gian cho bản thân. Nhưng nhìn đứa con út chưa yên bề gia thất, nghe lời động viên của bạn bè, tôi một lần nữa lại nhẫn nhịn.
Khi về hưu, tôi vẫn không có được sự an nhàn. Chồng vẫn tiếp tục hạch sách. Bệnh tiểu đường, bệnh gút khiến ông kén ăn và tôi luôn phải lên thực đơn khác cho chồng. Nhưng lần nào con cái về thăm, ông cũng chê tôi đủ thứ, chưa từng ghi nhận công lao của vợ bao năm qua.
Tưởng gần 70 tuổi, ông sẽ biết dừng lại nhưng không. Ông lấy cớ tham gia hội này, hội nọ để chơi bời, trêu ghẹo mấy cô gái trẻ, thậm chí còn vào quán karaoke để thỏa mãn thú vui như thời trai trẻ. Con cái góp ý, ông không nghe, còn nói con ích kỷ.
Xung quanh hàng xóm, người thân dị nghị thói "già còn đổ đốn" của chồng khiến tôi mất mặt. Giờ đây, ở tuổi 65, tôi không còn muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân địa ngục này nữa.
Bây giờ, tôi chỉ muốn tìm lại cuộc sống của mình, được sống cho chính mình, không còn phải phục dịch, không còn phải chịu đựng những lời chê bai, chỉ trích.
Tôi muốn những năm tháng còn lại sau này thật thoải mái, thảnh thơi, không phải nhìn người khác sống, không vướng bận, chỉ sống cho mình. Dù hơi muộn nhưng vẫn đủ thời gian để tôi làm việc đó…
Tuần trước, tôi đã gửi đơn lên tòa. Con gái không ủng hộ nhưng cũng không ai cản trở. Có lẽ chúng hiểu nỗi cay đắng, khổ cực của mẹ suốt những năm tháng qua...
Độc giả giấu tên
Mời độc giả chia sẻ quan điểm và gửi tâm sự của mình đến chúng tôi. Biết đâu, câu chuyện của bạn có thể giúp ai đó tìm thấy sự đồng cảm, hoặc đơn giản là giúp chính bạn vơi đi những muộn phiền.
Tâm sự gửi về email: [email protected].