Không ít người cho rằng tự do là được làm điều mình muốn, sống theo cách mình muốn. Số khác thì định nghĩa tự do bằng hành động vượt khỏi những khuôn khổ của xã hội.
Nhưng với “bậc thầy tâm linh” Osho, tất thảy những điều ấy không phải là tự do đích thực. Mong muốn “thoát khỏi” điều gì, hay “làm bất cứ điều gì mình muốn” chỉ là các dạng thức khác của nô lệ, bởi vì chúng vẫn bị điều khiển bởi những mong muốn, khao khát và tâm trí hỗn loạn.
Osho cho rằng, chiều kích đầu tiên của tự do là về thể chất, tức là giải phóng con người khỏi những áp bức cụ thể như chế độ nô lệ, phân biệt giới tính, bất công xã hội…
Đối với ông, tự do thể chất nghĩa là “không có sự phân biệt giữa da trắng và da đen, không có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan đến cơ thể. Không ai trong sạch, không ai uế tạp; mọi cơ thể đều như nhau”.
Tuy nhiên, sự tự do về thể chất vẫn chưa đủ, để bước lên những tầm cao hơn, chúng ta cần có tự do tinh thần và tự do tâm linh.
Theo Osho, tự do tinh thần là sự giải phóng khỏi các khuôn mẫu tư duy, các định kiến và niềm tin bị áp đặt từ nhỏ. Ông cho rằng xã hội mà chúng ta đang sống được gắn liền với những từ ngữ như “xã hội”, “quốc gia”, “tôn giáo”... Để được tự do tinh thần, Osho chỉ ra: phải vứt bỏ hết những niềm tin đã được gieo vào đầu, phải từ chối những chân lý từng được dạy để tự mình khám phá ra sự thật.
Nhưng ngay cả khi đạt được tự do tinh thần thì hành trình vẫn chưa kết thúc, bởi điều đó chỉ mở ra cánh cửa để bước vào cấp độ cao nhất: tự do tâm linh.
“Tự do thực sự xuất phát từ nhận thức không lựa chọn, khi có nhận thức không lựa chọn thì tự do sẽ không phụ thuộc vào sự vật hay hành động nào. Tự do theo sau nhận thức không lựa chọn là tự do được là chính mình. Và bạn đã là chính mình rồi, bạn được sinh ra cùng với điều đó, cho nên nó không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Không một ai có thể trao cho bạn tự do và không một ai có thể tước đoạt tự do khỏi tay bạn. Một thanh gươm có thể chặt đầu bạn nhưng không thể cắt đứt tự do của bạn, bản thể của bạn”, ông viết.
Trong cuốn sách Tự do - như chim tung cánh, Osho dẫn dắt người đọc vào thế giới của thiền, không phải như một nghi thức tôn giáo hay một bài tập tâm lý mà là một cách để trở về với bản chất thuần khiết của chính mình. Điều ấy được ông lồng ghép qua những hình tượng như lạc đà, sư tử và đứa trẻ; hoặc những mẩu chuyện, cuộc đối thoại ngắn...