Ngày tôi còn bé ở quê, vẫn thường chứng kiến cảnh người ăn mặc lam lũ đứng ngoài ngõ xin gạo. Trăm lần như một, tôi đều không chối từ nếu hôm đó ở nhà trông nhà.
Tôi không biết nữa, nhưng nếu từ chối họ thì tôi luôn có cảm giác xấu hổ với chính tôi, một cảm giác đầy bất an và vô cùng khó chịu.
1. Khi lớn lên, theo nghề báo, trong tất cả những bài viết của mình, tôi đều bảo lưu quan điểm làm từ thiện đầu tiên là phục vụ cho sự thôi thúc của chính lương tâm mình. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ điều đó, bởi chứng kiến một hoàn cảnh khó khăn, một nỗi tang thương, tôi không ngó lơ được. Vì không thể ngó lơ nên phải làm gì đó để khiến lòng thanh thản hơn.
Tôi đọc trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về làm từ thiện, tôi cảm thấy thật khó hiểu tư duy của nhiều người. Mặc dù tôi vẫn biết rằng mỗi cá nhân là một quan điểm khác nhau, và chính từ những quan điểm khác biệt mới tạo nên một đời sống đầy nhộn nhịp.
Tôi chỉ nghĩ rằng, khi người ta đang đói, việc đầu tiên phải giúp đỡ họ có cái ăn, chứ không phải là đưa cho họ nắm thóc rồi bảo: "Hãy gieo trồng vì đây mới thật sự là cái cần câu chứ không đơn thuần là con cá".
Hoạch định một sự giúp đỡ lâu dài cho những cá nhân khốn khó là cần thiết nhưng sẽ càng cần thiết hơn khi giúp họ cái trước mắt để có cơ hội tính chuyện lâu dài. Có ai nhà đang cháy mà đứng phân tích vì sao cháy đâu, chuyện đó phải điều tra tìm hiểu nguyên nhân sau còn tiên quyết là phải chữa cháy ngay.
Thế nên, tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi chứng kiến những bạn bè mình kêu gọi quyên góp từng chút một, từ nhu yếu phẩm cho đến tiền, viên lọc nước giúp nhân dân vùng lũ ở miền Trung.
Minh họa: Hữu Khoa. |
Cuộc sống tốt đẹp hơn từ những tấm lòng như vậy, nụ cười tròn vành và ánh nắng ấm áp hơn từ những hành động ấy. Và phải chăng dằng dặc nhiều năm trở về trước, tiền nhân đã hun đúc tinh thần của chính mình để cho dân tộc này có được nỗi thương nhau như bây giờ. Một dân tộc năm nào cũng hứng chịu thiên tai, năm nào cũng ngong ngóng thời tiết thuận lợi để hy vọng mùa màng bội thu mà không thương nhau thì làm sao có thể tồn tại được.
Tôi đọc thấy nhiều người bảo rằng mới khó khăn chút đã hô hào giúp đỡ thì dân tộc mãi mãi không anh dũng, can trường. Tôi nghĩ họ thật thiển cận, lịch sử dựng nước và giữ nước không đủ để chứng minh sao. Còn nỗi thương nhau lại là một câu chuyện khác, một đức tính tích cực khác.
2. Sáng hôm đó cơ quan phát động phong trào quyên góp để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, sau khi đóng góp, tôi xuống ngồi chuyện phiếm với bộ phận thường trực. Đúng lúc này, từ phòng tài vụ có hai độc giả bước ra. Một cụ già và một người phụ nữ trẻ. Cụ già ấy đến cơ quan để đóng góp cho đồng bào miền Trung, cụ yếu rồi nên nhờ con gái chở đi. Nhìn hình ảnh ấy làm sao mà không thương, nhìn hình ảnh ấy làm sao mà không cảm động.
...
Bài học đạo đức ngày xưa tôi được dạy chính là người trong một nước phải thương nhau cùng, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Và trước mỗi thiên tai, nhân tai, tôi lại càng cảm nhận rõ hơn đặc tính tương thân tương ái đầy tốt đẹp của dân tộc mình. |
Mấy năm trước, khi tôi viết về một hoàn cảnh khốn cùng, độc giả đến cơ quan hỗ trợ cho nhân vật trong bài viết. Tôi tiếp một độc giả, độc giả bảo với tôi: "Đây là số tiền lương hưu của bác, bác hy vọng giúp đỡ gì được cho họ chứ họ tội quá". Thú thật khi ấy tôi phải cố lắm mới không bật khóc, vì làm sao không thiết tha được lúc cảm nhận rõ ràng người với người sống để thương nhau.
Tôi nhiều việc, tính lại vốn vụng về. Tách mình ra khỏi con chữ ngay lập tức trở thành một kẻ hậu đậu. Thế nên, khi bạn bè rủ kêu gọi giúp đỡ đồng bào, tôi đắn đo nhiều lắm, khất: "Để mình nghĩ một chút". Đêm, tôi xem hình ảnh những căn nhà chìm trong nước, những gương mặt của đồng bào khắc khổ, đọc những bi thương cắt chia. Hôm sau, tôi nhận lời tham gia cùng bạn bè. Tôi nghĩ gì cho mình đâu, chỉ biết cố được gì thì cố, giúp được ai thì giúp.
Trong những khoản giúp đỡ mà tôi nhận được từ thân hữu, bạn bè, độc giả Facebook cá nhân có khoản tiền 500 nghìn. Chắc có lẽ cả đời tôi không quên được khoản tiền này đâu. Vì người chuyển tiền cho nhóm chúng tôi là cậu công nhân làm bốc xếp ở Bình Dương. Cậu nói rất rón rén, em chỉ có bấy nhiêu, anh nhận giúp.
Đó là khoản tiền 2 triệu đồng của một thượng úy quân đội, cậu em mà tôi rất trân quý vì tôi biết ngoài lương, người bạn không còn khoản thu nhập nào nữa. Tôi nhắn: "Em giúp nhiều quá, ít lại một chút cũng được. Như con kiến tha mồi, mỗi người một chút là được mà". Cậu em thưa: "Em bớt cà phê chút thôi, chứ không giúp đồng bào mình, em áy náy chịu không được, anh ạ".
Và còn rất nhiều trường hợp khác, ai tìm đến cũng đều vì tấm lòng, cũng đều vì suy nghĩ người trong một nước không thương nhau thì thương ai, cùng một dân tộc không thương nhau thì thương ai, cùng máu đỏ da vàng, giọng nói không thương nhau thì thương ai.
3. Tôi vốn luôn tin, chúng ta luôn muốn nhìn thấy những khuôn mặt người xung quanh bớt những hắt hiu, bớt những đăm chiêu, bớt những buồn khổ. Sau khi lắng nghe tiếng cười của người thân. Thiện tính vĩnh viễn tồn tại trong mỗi cá nhân cho dù đã từng khổ đau hay bất hạnh, đã từng cay đắng hay bị lọc lừa.
Chẳng có động cơ gì đâu, mọi thứ chỉ đơn giản là người trong một nước thì bao bọc, vỗ về nhau trước mỗi biến cố mà thôi. Còn ngoài thiên tai thì nhân tai đã khiến đồng bào miền Trung thêm phần suy kiệt như thế nào, sau khó khăn trước mắt chắc rằng sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Hiện tại, điều cần nhất vẫn là trao cho nhau một bàn tay ấm.
Ngô Nguyệt Lãng/ theo ANTGCT
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.