CÔNG TRÌNH BỊ PHẾ TÍCH 72 NĂM Ở HUẾ TRƯỚC NGÀY ĐÓN KHÁCH THAM QUAN

Điện Kiến Trung là một cung điện của nhà Nguyễn trong Tử Cấm thành được vua Khải Định cho xây vào năm 1921, hoàn thành vào năm 1923, là nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. 

Đây là công trình đặc biệt quan trọng trong hệ thống kiến trúc các cung điện của triều Nguyễn. Tầng chính của công trình có 13 cửa hiên (gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa, hai góc điện mỗi bên 2 cửa nữa làm nhô ra); tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính.

Điện đã ở dạng phế tích suốt 72 năm cho đến khi có dự án phục dựng, trùng tu. Công trình được khởi công từ năm 2019, nay đã gần như hoàn thiện.

Công trình được thực hiện trên diện tích hơn 3.800m2. Các đơn vị thi công đã giữ nguyên cấu trúc nền móng hiện còn, hạn chế can thiệp yếu tố gốc của di tích. 

Dự án gồm các hạng mục gia cố, phục hồi tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm tiền viên và hậu viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2. 

Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh như: Đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng...

Dưới thời vua Bảo Đại, điện là nơi ăn, ở chung của cả gia đình nhà vua. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 29/8/1945, điện Kiến Trung là nơi vua Bảo Đại tiếp xúc với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Theo các chuyên gia, ngoài những giá trị lịch sử, điện Kiến Trung còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc và mỹ thuật khi có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á - Âu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Nói chi tiết về điện Kiến Trung thì đây vốn là một công trình quan trọng trong hệ thống kiến trúc cung đình thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Năm xưa tại vị trí này vua Minh Mạng cho xây tòa lầu Minh Viễn 3 tầng (vào năm 1827), được bình chọn là “Thần Kinh đệ nhất cảnh”.

Năm 1876, do bị xuống cấp nặng nề, vua Tự Đức cho triệt giải công trình. Năm 1913, vua Duy Tân cho dựng một công trình theo phong cách mới, gọi là lầu Du Cửu. Sau khi vua Khải Định lên ngôi đổi tên thành lầu Kiến Trung.

Nhưng trong giai đoạn 1921-1923, lầu/điện Kiến Trung được xây dựng lại hoàn toàn theo phong cách tân cổ điển, một công trình có quy mô lớn và mang phong cách đặc trưng thời Khải Định với kiểu trang trí hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ, đặc biệt là lối trang trí bằng đắp mảnh sành sứ trên nền vôi vữa. 

Thời Bảo Đại, công trình có được sửa chữa bổ sung thêm. Tuy nhiên, sau 24 năm tồn tại ngắn ngủi, điện Kiến Trung gần như bị phá hủy hoàn toàn vào tháng 2/1947.

Đến giữa tháng 2/2019, sau gần 5 năm nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ dự án và các thủ tục liên quan, Lễ khởi công trùng tu phục hồi điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành Huế mới được tổ chức.

5 năm qua, dự án trùng tu phục hồi điện Kiến Trung đã được vận hành qua 3 đời giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và cũng trải qua không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, do các khó khăn về vốn, thủ tục và cả những vấn đề về chuyên môn.

Toàn dự án này có tổng mức kinh phí đầu tư hơn 123 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Phát triển văn hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điện Kiến Trung đã được phục dựng gần như nguyên vẹn và sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

ẢNH: KHÁNH ĐĂNG