Tôi vốn là một bà mẹ khá nghiêm chỉnh với những hoạt động giải trí của các con, 14, 8 và 3 tuổi. Tuổi thơ các bé lớn lên với những cuốn sách trong nhà và thư viện, những buổi dã ngoại với ba mẹ... Ngoài giờ học, các bé còn tham gia các hoạt động ngoại khoá theo sở thích như thể thao, nhạc, vẽ và kịch. Tôi tự tin rằng chúng tôi luôn dành cho con những khoảng thời gian chất lượng. 

Tôi nghiêm khắc không cho các con xem tivi hay Ipad cho tới khi tròn 3 tuổi. Bé đầu cũng chỉ bắt đầu dùng điện thoại di động khi vào lớp 6, đi học bằng xe buýt cách nhà 20 phút. Điện thoại để giúp con liên lạc với chúng tôi nếu nhỡ xe hoặc gặp vấn đề gì trên đường. Đến trường con tắt điện thoại (theo yêu cầu của nhà trường), về nhà nộp điện thoại cho ba mẹ. 

Không đơn giản 

Vào tuần đầu tiên của kỳ phong toả, tôi hí hửng lên kế hoạch hoạt động cho các con: giờ học, giờ chơi, giờ nghỉ, chi tiết theo từng độ tuổi, với ngồn ngộn hoạt động thể chất lẫn tinh thần. Nhưng mới chỉ qua vài ngày đầu, vợ chồng tôi đã kiệt sức, còn các con cũng chán nản không kém. 

{keywords}
Điều mà chúng ta lo sợ nhất, đó là một khi con bắt đầu dùng Internet là sẽ “nghiện". Ảnh minh họa: Nytimes

Mặc dù gọi là ở nhà, nhưng chúng tôi vẫn làm việc cơ quan ngày đủ 7 tiếng. Có thể chúng tôi sẽ tranh thủ đôi chút trong khoảng 7 tiếng đó, nhưng vẫn phải đảm bảo phản ứng tức thì nếu “sếp" gọi.

Vì các con cũng ở nhà, nên chúng tôi lại phải kiêm nhiệm thêm các vai: trợ giảng (các con học tại nhà), người trông trẻ (trong lúc các chị học thì phải có ai đó trông nom cô em út sắp lên 3), tôi vẫn phải nấu cơm đủ 3 bữa và việc đi chợ hay các công việc nội trợ bỗng dưng đội lên nhiều hơn vì chúng tôi ở nhà 24/7. 

Chạy theo các hoạt động của con không đơn giản như tôi vẫn nghĩ. Chưa kể, những trò tôi nghĩ ra cũng chỉ hấp dẫn chúng được mấy ngày đầu. Cô bé lớn bắt đầu vào tuổi thiếu niên chỉ muốn đóng cửa ở trong phòng làm việc riêng. 

Thế là kế hoạch làm một bà mẹ hoàn hảo của tôi đi tong! Tôi buộc phải chấp nhận thả lỏng các con, cho phép chúng xem tivi nhiều hơn thường lệ và cho cả cô con gái đầu vào mạng nhiều hơn. Tôi tặc lưỡi thà như vậy còn hơn trông chúng nó ủ rũ buồn bã suốt cả ngày, rồi lại léo nhéo khiến tôi không thể tập trung vào bất cứ việc gì, đến cả thở cũng phải tranh thủ! 

Là phụ huynh, rõ ràng chúng ta đều hiểu về những hiểm hoạ rình rập lũ trẻ đằng sau chiếc màn hình. Nhưng cũng phải thành thực công nhận rằng, việc cấm hay hạn chế nghiêm ngặt con cái truy cập Internet trong thời đại 4.0 cũng có phần cực đoan, đặc biệt khi con đã bước sang giai đoạn thiếu niên.

Nhiều người nói rằng con cái của Bill Gates and Steve Jobs không dùng điện thoại cho tới khi 14 tuổi; nhưng họ lại không nói rằng con cái những tỷ phú này được tận hưởng những đặc quyền gì. Và nếu phải ở trong nhà 24h, không gặp bạn bè, không có hoạt động ngoại khoá thì chúng làm những gì để không buồn chán. 

Điều mà chúng ta lo sợ nhất, đó là một khi con đã bắt đầu dùng Internet là sẽ “nghiện", bởi vì bản thân chúng ta cũng chả khác gì, vẫn lướt mạng xã hội dù biết chúng chả bổ ích gì đấy thôi. 

Lỗi ở người lớn? 

Những ngày đầu thả lỏng cho con dùng máy tính để vào mạng, tôi giới hạn thời gian và con tuân thủ khá nghiêm túc. Tôi rất mừng vì con tôi “biết điều" và dần dần không còn theo sát con nữa, bởi tôi tin con tôi có thể tự chủ.

Nhưng rồi tôi phát hiện ra, càng lúc con càng vượt quá giới hạn thời gian cho phép, có lúc còn trốn vào phòng để xem điện thoại. Chúng tôi đã rất giận. Con gái tôi, mắt ngân ngấn nước, xin lỗi ba mẹ và thú nhận: Con biết như thế là sai, nhưng mà trên mạng có nhiều thứ hay quá, con không kiềm chế được. Ba mẹ giúp con đi. 

Bằng cách nào? - Tôi hỏi. - Mẹ hãy nhớ nhắc con khi đã hết giờ, và sau đó hãy cất điện thoại, máy tính khỏi tầm mắt con, như thế con không còn nghĩ về nó nữa. 

Ngay lập tức, tôi hiểu ra lỗi sai trước hết thuộc về chúng tôi. Mặc dù thừa hiểu công nghệ, nhưng chúng tôi đã không sử dụng tối đa các thủ thuật cần thiết để giúp con: chức năng tự giới hạn giờ sử dụng điện thoại, chức năng tự động ngắt kết nối Internet, hay đơn giản hơn là chúng tôi đặt chuông báo cho chính mình, đến giờ thì mang điện thoại của con đi cất chỗ khác. Đôi khi tôi mải chăm chú làm việc quá, con xin dùng điện thoại tôi cũng ậm ờ đồng ý rồi lại quên béng đi. 

Trên thực tế, rất khó cho một đứa trẻ, kể cả một thiếu niên, biết tự giác. Theo các nhà khoa học thần kinh, hệ thống tự kiểm soát trong não bộ của lứa tuổi vị thành niên chưa đủ phát triển để chúng có thể tự động dừng những thứ gây nghiện này. Và tin buồn là, phải tới độ tuổi 25 thì não bộ mới hoàn toàn phát triển. Chính vì vậy, cho tới lúc đó, bố mẹ vẫn cần phải ở bên và hỗ trợ kịp thời. 

Những ngày sau đó, chúng tôi cùng nhau điều chỉnh thời gian biểu, thay đổi giờ con có thể dùng máy tính, điện thoại hay xem tivi vào những giờ chúng tôi không làm việc để tiện bề “trông coi". Nếu con không tự động dừng đúng lúc, chúng tôi cũng nhớ để nhắc con. 

Đành rằng trong những ngày phong toả, sẽ thật lý tưởng nếu các ông bố bà mẹ có thể dành nhiều thời gian chất lượng bên con, bù đắp cho con những thiếu hụt khi họ còn bận bịu nơi công sở. Nhưng tôi cũng tự hỏi, khi ở cạnh nhau 24/7, liệu có bố mẹ nào có đủ thời gian và sức lực để chơi với con hay không, nhất là khi giờ đây các con nghỉ hè và có rất nhiều thời gian rỗi? 

Tới đợt phong toả thứ 2 năm nay, tôi còn ra một quyết định mà trước kia không hề nghĩ tới. Tôi tặng các con một bộ trò chơi điện tử để hai đứa có thể chơi cùng nhau, kể cả khi kỳ phong toả đã kết thúc.  

Bỏ mặc con cái cho Internet, tivi hay điện thoại thông minh là không đúng và có hại, đương nhiên là như vậy. Nhưng tại sao chúng ta lại không sử dụng chúng như một công cụ hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này? Suy cho cùng, Internet hay các thiết bị thông minh không có lỗi. Đôi khi, lỗi lại nằm ở chỗ chính chúng ta chưa sử dụng chúng một cách thông minh mà thôi.

Nguyên Kan (từ Pháp)

Công nghệ sẽ phá vỡ các trường đại học tự mãn

Công nghệ sẽ phá vỡ các trường đại học tự mãn

Các trường ĐH sẽ cần nhanh chóng thay đổi và thích ứng với tình cảnh mới. Trường ĐH sẽ tồn tại, nhưng không phải với sức mạnh như thời trước đại dịch Covid-19.