Việt Nam coi Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

Hồ sơ Di cư được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào năm 2005 với mục đích ban đầu là xây dựng chương trình hỗ trợ ở các nước thứ ba trong lĩnh vực di cư và chiến lược xóa đói giảm nghèo. Hồ sơ Di cư sau đó được IOM phát triển thử nghiệm vào năm 2006 và chỉ trong vòng 5 năm đã có khoảng 70 quốc gia xây dựng.

Mục đích chính của Hồ sơ Di cư là đánh giá hiện trạng di cư; tăng cường hiểu biết về di cư và mối liên hệ của di cư với phát triển; đánh giá tác động của di cư đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ chính phủ trong việc thiết lập hoặc tăng cường cơ chế để thường xuyên tổng hợp về các xu hướng liên quan đến di cư; nâng cao việc sử dụng thông tin di cư trong hoạch định chính sách; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, nhất là trong thu thập số liệu và xây dựng chính sách.

W-congbo.png
Quang cảnh hội thảo công bố Hồ sơ di cư Việt Nam 2023

Việc xây dựng Hồ sơ Di cư cũng đã chính thức trở thành khuyến nghị trong Thỏa thuận GCM. Theo đó, tại mục tiêu số 1 về “thu thập, sử dụng dữ liệu chính xác và tổng hợp làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng”, Thỏa thuận GCM đã kêu gọi các quốc gia định kỳ xây dựng Hồ sơ Di cư.

Nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu di cư và Hồ sơ Di cư đối với công tác quản lý di cư và xây dựng chính sách về di cư, ngay từ năm 2011, Việt Nam đã phối hợp với IOM xây dựng Hồ sơ Di cư (ấn bản lần thứ nhất) với tiêu đề “Báo cáo về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài”, tiếp đó là Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 và lần thứ ba là năm 2023.

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chủ trì biên soạn với sự tham gia của các cơ quan, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng trong bối cảnh di cư xuyên biên giới ở Việt Nam”. Dự án này do Bộ Ngoại giao và IOM phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Quỹ phát triển IOM (IDF).

Đánh giá ý nghĩa của việc công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM nhìn nhận: với tư cách là đối tác của Chính phủ Việt Nam, IOM đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo và xây dựng Hồ sơ Di cư. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng rằng, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho di cư an toàn và góp phần giúp Việt Nam tiến xa hơn trong công tác triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM), củng cố vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai thỏa thuận này.