Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn, như: Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại kinh tế khoảng 28.000 tỷ đồng; dịch lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục...

Sau khi nỗ lực triển khai Đề án “Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y giai đoạn 2012-2020”, cả nước đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật về thú y khá đồng bộ; tăng cường kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm và quản lý thuốc thú y.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Từ những thành công đã đạt được, ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 414/QĐ-TTg).

Mục tiêu cụ thể của Đề án là hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống giám sát dịch bệnh động vật từ trung ương đến cơ sở được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật.

Ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi được xây dựng và công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; năng lực quản lý ATTP đối với sản phầm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến địa phương được tăng cường.

Minh Phúc