Ảnh minh họa: Internet |
Theo chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội thảo về tiền di động với chủ đề: “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức mới đây, một trong những nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money mà NHNN dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ đó là nguyên tắc quản lý tiền trong ví Mobile Money để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Tại hội thảo, theo chia sẻ của chuyên gia GSMA về kinh nghiệm triển khai Mobile Money của một số nước như Kenya, tiền của khách hàng nạp vào ví Mobile Money sẽ được dùng đầu tư tài chính như đầu tư trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, đầu tư vào những dịch vụ rủi ro thấp như bất động sản chẳng hạn.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, quan điểm của NHNN không cho các công ty Mobile Money mang tiền gửi của khách hàng đi kinh doanh. NHNN dự kiến trình Chính phủ nguyên tắc, tổng số dư của ví Mobile Money phải tương ứng với số tiền của công ty viễn thông gửi ở một tài khoản đảm bảo ở ngân hàng, công ty viễn thông chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo này cho dịch vụ ví Mobile Money mà không được làm gì khác.
Ví dụ, công ty Mobile Money nhận của 10 khách hàng số dư 10 tỷ đồng thì phải có 10 tỷ đồng để ở ngân hàng, công ty viễn thông không được mang tiền của khách hàng để vào ví đi kinh doanh, đầu tư tài chính. NHNN đưa ra nguyên tắc này để khi công ty Mobile Money có thể thua lỗ hay phá sản thì tiền của khách hàng nạp vào ví vẫn được đảm bảo ở ngân hàng.
“Nhiều quốc gia có thể cho phép công ty viễn thông dùng số tiền khách hàng gửi trong ví đầu tư trái phiếu, hoặc đầu tư tài chính các dịch vụ có rủi ro thấp nhưng quan điểm của NHNN Việt Nam là như vậy. Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng và trước mắt Việt Nam sẽ làm thế”, ông Dũng phát biểu.
Với dịch vụ Mobile Money, NHNH lựa chọn đối tượng được triển khai Mobile Money là công ty viễn thông đã được NHNN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Hiện tại Việt Nam đã có 29 đơn vị được NHNN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có hai nhà mạng viễn thông là Viettel và VinaPhone. NHNN dự kiến trình Chính phủ đối tượng được tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money là các đơn vị viễn thông đã được cấp phép trung gian thanh toán. Việc mở dịch vụ ví điện tử có nhiều vấn đề cần được nhà cung cấp dịch vụ quan tâm như: đảm bảo thông tin khách hàng, đảm bảo dữ liệu, đảm bảo tiền gửi, đảm bảo phòng chống rửa tiền, NHNN khi cấp phép cho doanh nghiệp trung gian thanh toán đã xem xét tất cả các yếu tố này, cho nên nếu nhà mạng đã có giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán sẽ đảm bảo có đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Nếu Chính phủ đồng ý với các nguyên tắc quản lý Mobile Money mà NHNN xây dựng, ngay lập tức sẽ có 2 trong số 3 nhà mạng viễn thông lớn được cung cấp dịch vụ Mobile Money. Hiện tại Việt Nam có hai nhà mạng là Viettel, VinaPhone đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, MobiFone đang nộp đề án xin giấy phép.
Mặc dù trên thế giới có nhiều nước đã cung cấp dịch vụ Mobile Money từ khá lâu, như Kenya đã cung cấp dịch vụ từ năm 2007. Nhưng hiện tại Việt Nam chưa có một cơ sở pháp lý chính thức để triển khai cung cấp dịch Mobile Money. Các quy định pháp luật của Việt Nam không tìm ra được khái niệm Emoney, Mobile Money, chưa có một văn bản pháp lý nào định nghĩa về Emoney cả. Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ định nghĩa về ví điện tử cũng không giống với dịch vụ Emoney và Mobile Money mà các nước đang triển khai.
Theo ông Dũng, vì Emoney và Mobile Money theo mô hình mà các tổ chức viễn thông các nước đang triển khai cho phép nạp tiền vào tài khoản từ các đại lý và tài khoản ngân hàng.
“Việc cả Mobile Money và đơn vị cung cấp Mobile Money chưa được văn bản pháp lý nào quy định, đây là một thách thức cho các doanh nghiệp viễn thông. Và khi chưa có quy định pháp lý thì phải ứng xử như thế nào, đây là bài toán mà NHNN và Bộ TT&TT phải giải, nếu không thì dịch vụ Mobile Money sẽ không thể đi vào thực tế được”, ông Phạm Tiến Dũng phát biểu.