Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch và các hoạt động bên lề vừa diễn ra tại Singapore.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả mà các nước IPEF đã đạt được, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên IPEF để góp phần xây dựng các nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của từng thành viên. Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc sớm triển khai các dự án với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực mà các nước IPEF quan tâm và đề nghị các nước IPEF tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ và nâng cao năng lực thiết thực, hiệu quả để giúp các thành viên đang phát triển như Việt Nam tận dụng các cơ hội mà IPEF mang lại.  

minhhoa
Việt Nam triển khai trồng 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa giảm phát thải. 

Song song với Hội nghị Bộ trưởng, các nước IPEF cũng tổ chức Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch. Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên trong Khuôn khổ Hiệp định Kinh tế sạch của IPEF với thành phần tham dự là các quan chức chính phủ cấp cao, các nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực, những người đề xuất dự án tiên tiến, các doanh nhân khởi nghiệp đổi mới để cùng thảo luận, huy động tài chính, hỗ trợ triển khai công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại các nền kinh tế IPEF. Ước tính khoảng 180 nhà đầu tư lớn từ các nước phát triển đã tham gia Diễn đàn để tìm kiếm các đối tác tiềm năng, và 45 doanh nghiệp trong khu vực đã có mặt tại Diễn đàn với mục tiêu huy động nguồn vốn lên tới 2000 tỉ USD để thực hiện các hoạt động liên quan đến công nghệ khí hậu.   

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về các ưu tiên chính sách nổi bật của Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững với việc xây dựng hệ thống chính sách với các trụ cột về môi trường; chuyển dịch năng lượng gắn với thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; sản xuất tiêu dùng bền vững; và kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng kêu gọi các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ IPEF và mong muốn tăng cường các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực về xây dựng chính sách, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên.

Cho đến nay, các Thành viên IPEF đã hoàn thành đàm phán và thực hiện ký kết phù hợp với thủ tục trong nước của mỗi bên đối với các Hiệp định Tổng thể IPEF, Hiệp định Trụ cột III về Kinh tế sạch và Trụ cột IV về Kinh tế công bằng.

Với Hiệp định Trụ cột II về Sức chống chịu của chuỗi cung ứng, cho đến nay đã có 8/14 nước tham gia IPEF hoàn thành quá trình phê duyệt để đưa Hiệp định vào thực thi. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã thảo luận định hướng triển khai các nội dung đã được thống nhất trong Khuôn khổ IPEF, đặc biệt chú ý đến việc sớm cụ thể hóa các lợi ích mà IPEF có thể mang lại cho các nước thành viên thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cũng như kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế vào các dự án mà các nước IPEF quan tâm, trước mắt tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cho năng lượng xanh và sạch trong tương lai.

Nhóm PV