Doanh nghiệp lao đao vì cung giảm sâu

Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2019 là năm Thành phố có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018. 

{keywords}
 Việc sụt giảm nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước bài toán khó giải về chiến lược phát triển đường dài

Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tức 29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Từ những con số trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lo ngại thị trường sẽ có nguy cơ chững lại hoàn toàn, một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không có sản phẩm cung ứng, không đủ chi phí hoạt động.

Trước tình trạng phân lô bán nền, xây dựng công trình trái phép gây nhiễu loạn thị trường, chính quyền đã thực hiện các biện pháp mạnh tay để siết chặt việc cấp phép cho những dự án mới. Do đó, ngoài những dự án dính sai phạm thì hàng loạt dự án đủ điều kiện phát triển bị đình trệ dẫn đến nguồn cung ngày càng hạn hẹp, thậm chí vài tháng gần đây thị trường không ghi nhận dự án mới.

Theo Tổng giám đốc một doanh nghiệp BĐS lớn, một dự án khi quy hoạch và phát triển mất nhiều thời gian, từ 5-10 năm, thậm chí có những dự án mất 15-20 năm. Sự bất ổn về mặt chính sách, thiếu cân đối cung cầu thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển đường dài của một công ty bất động sản.

Sự chậm trễ nguồn cung đưa ra thị trường không chỉ khiến doanh nghiệp lao đao mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, rủi ro dòng tiền, giải pháp tài chính, ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành nghề khác. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản sụt giảm cũng ảnh hưởng đến việc thiếu nguồn vốn đóng góp cho địa phương bởi sự liên đới giữa các ngành.

Giải pháp nào để doanh nghiệp trụ lại?

Các chuyên gia chỉ ra, nguồn cung sụt giảm không chỉ tác động đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có nhu cầu mua nhà ở thực bởi mặt bằng giá sẽ bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Bên cạnh đó, thị trường sẽ giảm hẳn một lượng môi giới vì không có sản phẩm để bán, xuất hiện bài toán về cân đối nguồn lực.

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám Đốc JLL Việt Nam mong muốn chính quyền chú trọng hơn đến việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, xử lý dứt điểm các dự án trái phép để cân bằng lại thị trường, đồng thời hỗ trợ cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển.

“Chúng tôi hy vọng thời gian tới chính quyền TP.HCM sẽ có những điều chỉnh hợp lý để điều chỉnh nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường. Như vậy mặt bằng giá trong phân khúc căn hộ nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng sẽ bình ổn trở lại”, Ông. Stephen Wyatt nói.

Còn giải pháp mà vị tổng giám đốc đã đề cập ở phần trên đưa ra là phải tạo ra quỹ đất lớn, chính quyền cần có cơ chế linh hoạt để chủ đầu tư mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, nên có những cơ chế tốt hơn cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô, bài bản, phục vụ nhu cầu thực hơn là đầu tư.

Trước câu hỏi về bài toán khai thông thị trường, vị này cho rằng các doanh nghiệp nên có sự phân loại, khoanh vùng dự án theo từng phân khúc cụ thể và phải đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Những cái nào đang làm tốt thì có cơ chế tháo gỡ, những sản phẩm đang bất ổn thì phải có giải pháp riêng để xử lý triệt để, tránh tình trạng đình trệ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Giải pháp nhanh chóng nhất bây giờ là doanh nghiệp và chính quyền cần có sự đồng bộ về tư tưởng và phối hợp hành động. Cần có sự phân loại, đánh giá, ưu tiên những sản phẩm tốt và có đóng góp cho thị trường bất động sản. Cái gì tốt thì phát huy, cái gì gây nhiễu loạn thì loại bỏ để sớm khai thông.

Khánh Hòa

Doanh nghiệp lao đao vì nguồn cung bất động sản giảm mạnh

Doanh nghiệp lao đao vì nguồn cung bất động sản giảm mạnh

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), sự sụt giảm nguồn cung trong 7 tháng đầu năm 2019 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, một số đứng trước nguy cơ phá sản.