Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019 (Ảnh minh họa: Internet) |
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra diễn biến phức tạp, những ngày qua, Bộ Y tế đã liên tục đưa ra các khuyến cáo đến người dân để tự bảo vệ sức khoẻ của mình. Để phòng chống bệnh dịch, hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người bị ho, sốt là một trong những biện pháp được khuyến nghị.
Trong bối cảnh đó, như ICTnews đã đưa tin, mới đây Đà Nẵng và Bình Dương đã lần lượt có văn bản khuyến nghị người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người, từ đó góp phần phòng, chống dịch bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Trong chia sẻ với ICTnews, đại diện Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cho rằng, giai đoạn hiện nay là cơ hội để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các dịch vụ online.
Được biết, hôm nay, ngày 6/2/2020, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT đã trình lãnh đạo Bộ TT&TT văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương lồng ghép tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong các biện pháp phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhận định, việc Cục Tin học hóa đưa ra đề xuất này là rất kịp thời và rất phù hợp.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thế Trung, từ trước đến nay, chúng ta chỉ nhìn thấy rằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp giảm thiểu những hành vi nhũng nhiễu, đảm bảo minh bạch hơn trong quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh chúng ta đang phải ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có thêm một sức mạnh nữa, đó là không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các thủ tục hành chính và nhờ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
“Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất tốt để tất cả các nơi đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các giao dịch online cho những người dân có nhu cầu, cho phép họ không phải đến những chỗ đông người, giảm thiểu lưu lượng đi trên đường. Khi chúng ta giảm tốc độ di chuyển nói chung thì cùng với đó sẽ giảm được tốc độ lan truyền của virus Corona”, ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.
Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc thực hiện, trong 4 kỳ đánh giá gần đây, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến là chỉ số thành phần duy nhất của Việt Nam đã liên tục tăng. Trong đó, năm 2016, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Trong báo cáo năm 2018, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam tăng 15 bậc.
Theo đánh giá của Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, một kết quả nổi bật trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam năm vừa qua là việc tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 (mức độ cao nhất, hoàn toàn được thực hiện qua mạng Internet – PV) đã tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019.
Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến của một số lĩnh vực đã đạt hiệu quả cao như các dịch vụ thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử), kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch
tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã); đăng ký kinh doanh (75% đăng ký doanh nghiệp qua mạng), lĩnh vực công thương (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương).
Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hiện vẫn thấp; tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến cũng còn thấp, hiệu quả đạt được chưa cao.