Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc cho rằng có 6 thách thức lớn với Việt Nam trong chuyển đổi số (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong tham luận tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành TT&TT vừa được tổ chức sáng nay, ngày 5/7, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, có 6 thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam trong chuyển đổi số. “Trong đó thách thức lớn đầu tiên là các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản nhiều hơn nếu chậm chuyển đổi. Gần đây, có 1 cuốn sách rất nổi tiếng với tựa đề “Chuyển đổi số hay là chết”. Cuốn sách này cho thấy nguy cơ bị phá sản của các doanh nghiệp không ý thức được xu thế chuyển đổi số và không có kế hoạch chuyển đổi”, ông Phúc thông tin.
Nhấn mạnh đến nguy cơ, thách thức về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu Cục Tin học hóa cho hay: “Chúng ta sẽ không thể chuyển đổi số thành công nếu như không có các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng. Tại Singapore, chỉ vì sự cố lộ lọt 1,5 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân trong đó có hồ sơ của Thủ tướng Lý Hiển Long mà họ đã phải dừng lại trong nhiều tháng các dự án CNTT của Chính phủ để xem xét lại vấn đề an ninh mạng trước khi triển khai tiếp”.
Vị Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng cho rằng, thiếu nhân lực ICT là một nguy cơ lớn khác mà Việt Nam phải đối mặt. Theo ông Phúc, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu khoảng hơn 1 triệu nhân lực ICT.
Phân tích rõ hơn nguy cơ, thách thức với việc bảo vệ tính riêng tư trong chuyển đổi số, đại diện Cục Tin học hóa nêu: “Khi dữ liệu bùng nổ, trao đổi thông tin bùng nổ thì tính riêng tư của thông tin, dữ liệu của các cá nhân sẽ rất dễ bị vi phạm, nếu như chúng ta không có giải pháp về pháp lý cũng như giải pháp về mặt kỹ thuật để ngăn ngừa”.
Mặt khác, trong chuyển đổi số, sự hình thành các mối quan hệ mới trên không gian mạng, chưa có tiền lệ cũng sẽ đặt ra thách thức trong việc phải xử lý các mối quan hệ này. “Điển hình như khi xe tự lái đâm chết người thì chúng ta sẽ phải xử lý chủ sở hữu xe hay nhà sản xuất xe. Hay trường hợp trên không gian mạng khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh, sẽ có rất nhiều giao dịch trực tuyến do robot, các trợ lý ảo thay mặt con người thực hiện trên môi trường mạng, vậy khi chúng vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật thì điều gì sẽ xảy ra?”, đại diện Cục Tin học hóa dẫn chứng.
Đáng chú ý, một thách thức lớn nữa từ công cuộc chuyển đổi số, theo nhận định của đại diện Cục Tin học hóa, đó là nguy cơ bị mất việc làm trong chuyển đổi số. “Theo dự báo của IDC và Microsoft, trong vòng 3 năm tới, 30% việc làm hiện nay sẽ bị mất đi do tự động hóa và trí tuệ nhân tạo thay thế”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.
Cục Tin hóa là cơ quan được Bộ TT&TT giao trực tiếp xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ phải trình Đề án này trong tháng 11/2019. Khi được ban hành, Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.