Trước yêu cầu đòi hỏi cung cấp thông tin kịp thời làm cơ sở để Chính phủ đưa ra những chính sách điều hành phù hợp, ngành Thống kê đã triển khai khảo sát nhanh 2 lần. Ở lần khảo sát này, có 1.841 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm trên 31%. Tỷ lệ doanh nghiệp tại Lâm Đồng bị tác động của dịch Covid -19 qua 02 đợt khảo sát lần lượt là 83,73% và 78,68%.
Kết quả khảo sát lần 2 cho thấy tỷ lệ DN không gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay gần 17% trong tổng số DN; trong đó DN FDI 23,8%, DN nhà nước 18,2% và DN ngoài nhà nước là 16,3%. Tỷ lệ DN đã được nhận hỗ trợ của Nhà nước chiếm 11,7%, trong đó DN nhà nước tỷ lệ 14,3%, DN FDI 11,1% và DN ngoài nhà nước tỷ lệ 10,1%.
Cục Thống kê Lâm Đồng đã lần 2 thu thập thông tin của doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, đồng thời đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian qua. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, kết quả khảo sát lần thứ 2 trả lời của DN về thực hiện các giải pháp thì quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập. Gần 84% DN được khảo sát đánh giá là gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, trong đó DN ngoài nhà nước là đối tượng gặp khó khăn lớn nhất (84%). Có gần 72% DN gặp khó khăn do quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp; hơn 55% DN không có tài sản thế chấp để vay vốn, đồng thời DN đang có dư nợ nhiều cũng bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng là 48,3%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, để ứng phó với tác động Covid-19, DN trên địa bàn Lâm Đồng đã phải áp dụng nhiều giải pháp để có thể tồn tại, vượt qua thời kỳ khó khăn. Hơn 62% DN đã áp dụng ít nhất một giải pháp, từ thay đổi phương thức hoạt động đến chiến lược sản xuất kinh doanh. DN có quy mô càng lớn càng chủ động tìm kiếp giải pháp để khắc phục khó khăn: 63,2% DN quy mô lớn có áp dụng một trong các giải pháp, trong khi đó chỉ có 60,1% DN quy mô siêu nhỏ thực hiện việc này.
Các giải pháp được DN áp dụng nhiều như: Tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống có 23,8% DN áp dụng; đẩy mạnh thương mại điện tử có 15,9%; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động có 12,7%; Sản xuất/cung cấp mặt hàng/dịch vụ mới theo nhu cầu của thị trường trong giai đoạn dịch bệnh có 10,5% DN áp dụng.
Đứng trước những khó khăn, thách thức mà dịch Covid-19 mang đến, nhiều DN đã tìm ra hướng đi mới cho chính mình để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 85% DN sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp để vượt qua thời kỳ dịch Covid -19; trong đó 60% DN tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; 48,6% DN sẽ thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ; 47,1% sẽ đẩy mạnh thương mại điện tử; 33,1% chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ chủ lực; 31,1% sản xuất sản phẩm mới đối với thị trường; 29,7% tập trung phát triển chuỗi cung ứng trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu.
Hải Ninh