Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã đi kiểm tra công tác ứng dụng CNTT tại Cục Báo chí.
Tại buổi kiểm tra, đại diện Cục Báo chí đã báo cáo về tình hình ứng dụng CNTT của Cục; những khó khăn, vướng mắc và kế hoạch trong thời gian tới.
Cụ thể, 100% cán bộ công chức của Cục đã triển khai áp dụng việc gửi nhận văn bản trên ứng dụng văn phòng điện tử eOffice, góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, truy cập và giải quyết công văn mọi lúc mọi nơi khi kết nối mạng Internet, nâng cao hiệu quả công tác điều hành của Cục.
Hiện, Cục đã đưa vào sử dụng một số phần mềm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước như: Phần mềm quản lý hồ sơ phóng viên và cấp đổi thẻ nhà báo (dùng chung với Cục PTTH-TTĐT), phần mềm kế toán Misa…. Phần mềm quản lý hồ sơ phóng viên và cấp đỏi thẻ nhà báo được xây dựng dựa trên các yêu cầu thực tiễn công việc, đã được áp dụng trong một số hoạt động quản lý, có tính khả thi, ổn định và tin cậy. Phần mềm này hỗ trợ việc lưu trữ dữ liệu của các nhà báo, có thể kiểm tra dữ liệu từ điện thoại di động.
Liên quan đến ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, Cục Báo chí đang nghiên cứu và đề xuất Trung tâm thông tin, đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ TT&TT, hỗ trợ trong việc bổ sung một số thủ tục hành chính lên Dịch vụ công mức độ 3, 4. Hiện tại, Cục đang có 26 thủ tục hành chính.
Một trong những khó khăn trong công tác ứng dụng CNTT của Cục là hiện chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT mà mới chỉ có cán bộ thành thạo về máy tính kiêm nhiệm phụ trách, là đầu mối liên lạc với các đơn vị xử lý tình huống khi có việc liên quan đến CNTT.
Ông Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin cho rằng, Cục Báo chí cần tăng cường ứng dụng CNTT nhiều hơn nữa trong hoạt động quản lý nhà nước. Trong bối cảnh Cục không có cán bộ chuyên trách về CNTT, Cục Báo chí cần triển khai CNTT theo hướng sử dụng chung hạ tầng, ứng dụng sẵn có của Bộ và cần tận dụng sự hỗ trợ của các đơn vị trong lĩnh vực CNTT của Bộ như Trung tâm thông tin hay Cục ATTT. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, Cục Báo chí cần có kế hoạch cụ thể để cùng phối hợp với các đơn vị này một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Cục Báo chí có trụ sở riêng, nằm ngoài 3 địa điểm tập trung rất đông các đơn vị của Bộ TTTT tại Hà Nội.
Đại diện Trung tâm thông tin cũng cho rằng, liên quan đến việc xây dựng và triển khai Cổng TTĐT của Cục, Cục Báo chí nên cân nhắc việc chuyển Cổng TTĐT của Cục hiện đang trong quá trình chạy thử nghiệm thành Cổng thành phần của Cổng TTĐT của Bộ.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, tình hình ứng dụng CNTT của Cục Báo chí vẫn đang ở trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, việc chưa triển khai ứng dụng sâu trong chừng mực nào lại có thuận lợi vì không đầu tư quá sâu vào một hệ thống nào.
Thứ trưởng nhất trí với đề xuất của Trung tâm thông tin rằng Cục Báo chí không nên làm riêng Cổng TTĐT mà nên là một Cổng thành phần trên Cổng TTĐT của Bộ. Đây là xu thế đang được Cục tin học hóa triển khai để tránh đầu tư riêng rẽ, sau đó lại mất công kết nối liên thông.
Trung tâm thông tin nghiên cứu phương án sau khi Cục Báo chí chuyển về trụ sở mới thì kết nối mạng LAN của Cục với hệ thống hạ tầng chung của Bộ như thế nào. Đồng thời, Cục trưởng phải phân công một lãnh đạo Cục chuyên trách vấn đề này, đặt ra mục tiêu, thời gian, nhiệm vụ cụ thể.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng lưu ý Cục Báo chí và Cục PTTH-TTĐT nên xem xét xây dựng Đề án chung về lưu chiểu điện tử, Công cụ đo lường định lượng khán giả xem TV và nội dung báo điện tử vì chỉ khác nhau về tiêu chí, nội dung quản lý còn kỹ thuật, công nghệ là một.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng khẳng định cần chọn những dịch vụ có nhiều hồ sơ trực tuyến phát sinh để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tuy nhiên, cũng cần phải ứng dụng CNTT vào tất cả các dịch vụ công Cục đang cung cấp để tiện cho việc lưu trữ, tra cứu.
Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm thông tin và Văn phòng Bộ phối hợp để triển khai kế hoạch tập huấn, triển khai ba quy chế của Bộ TT&TT ban hành trong năm 2017 về ứng dụng CNTT và bảo đảm ATTT cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Trên cơ sở những quy chế này, các đơn vị sẽ xây dựng quy chế nội bộ, xây dựng quy trình và từ đó lên kế hoạch triển khai thường xuyên.