Hôm nay, ngày 24/10/2017, tại Hà Nội, lần đầu tiên Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp cùng Internet Society (ISOC - tổ chức Internet toàn cầu) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức hội nghị chuyên đề Internet châu Á với chủ đề “Nguy cơ an toàn bảo mật trên không gian mạng tại Việt Nam và các giải pháp”, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu.
Hội nghị chuyên đề Internet châu Á dược khởi xướng và đề xuất trong bối cảnh người sử dụng Internet những năm gần đây đang chứng kiến một xã hội ngày càng mở và được kết nối thông qua Internet.
Nhiều lợi ích to lớn đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, số lượng và phạm vi của các sự cố mạng Internet cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới sự tin tưởng của khách hàng về công nghệ. Những sự cố đó không những gây gián đoạn kinh doanh, các chi phí không lường trước được mà còn là mối đe dọa đối với dữ liệu người dùng, tính bảo mật và sự riêng tư. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của điện thoại di động thông minh và các thiết bị kết nối “Internet của vạn vật”, những rủi ro này vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại.
Trong phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình - Tổng Thư ký VIA cho biết, hội nghị chuyên đề Internet châu Á với chủ đề “Nguy cơ an toàn bảo mật trên không gian mạng tại Việt Nam và các giải pháp” nằm trong chuỗi các hội nghị do ISOC tổ chức tại khu vực châu Á với trọng tâm là xây dựng lòng tin của người dùng trên Internet.
“Hội nghị cũng được tổ chức vào dịp rất đặc biệt, đúng dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu và cũng tròn 20 năm thành lập tổ chức ISOC”, ông Bình chia sẻ.
Đại diện VIA khẳng định, CNTT và Internet Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển nên không tránh khỏi nhiều nguy cơ về an toàn bảo mật. Việc tăng cường và phát triển hạ tầng mạng Internet tại Việt Nam chắc chắn dẫn đến xu thế người dùng Internet tăng mạnh, kéo theo nhiều rủi ro cho người dùng nên việc cùng thảo luận các nguy cơ về an toàn bảo mật trên không gian mạng và các giải pháp rất được trông chờ qua hội nghị lần này.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Naveed Ul Haq, đại diện ISOC nhận định, ngày nay các mối đe dọa an toàn thông tin không chỉ các nước phát triển phải đối mặt mà cũng là nguy cơ với cả các nước đang phát triển.
“Internet là nền tảng mở, chia sẻ, sáng tạo. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, phục vụ cho các công việc như nộp thuế, giao dịch ngân hàng, đặt phòng khách sạn… Tại Việt Nam, Internet đến nay cũng đã trở thành công nghệ hữu dụng trong cuộc sống của mọi người”, ông Naveed Ul Haq nói.
Đại diện ISOC cũng cho rằng, thời điểm hiện tại đang có rất nhiều rủi ro tiềm tàng mới phát triển, tấn công các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin trong một quốc gia. Ví dụ điển hình là mã độc tống tiền Wanna Cry đã xuất hiện vào đầu năm 2017, thâm nhập vào hệ thống bệnh viện ở Anh. Ngoài ra, còn có những mối đe dọa từ các loại mã độc khác.
“Hội nghị là cơ hội để các chuyên gia cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong câu chuyện đảm bảo an toàn thông tin cho hạ tầng, chống lại các mối đe dọa. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong hạ tầng CNTT toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan, đơn vị tại Việt Nam sẽ có sự phối hợp để nhiều bên tham gia, cập nhật công nghệ mới để đảm bảo an toàn thông tin tốt hơn”, đại diện ISOC chia sẻ.
Đáng chú ý, trong tham luận “Công tác bảo đảm an toàn thông tin trong tình hình mới: Nguy cơ và giải pháp” được trình bày tại hội nghị, ông Trần Đăng Khoa, chuyên gia Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT cho biết, vài năm trở lại đây, tình hình an toàn thông tin mạng tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Tấn công mạng bắt đầu có ảnh hưởng từ mục tiêu chính trị, đơn cử như sự kiện Biển Đông. “Cùng với đó, việc nhiều người dùng còn chưa có kiến thức về an toàn thông tin cũng dẫn đến những nguy cơ, thách thức lớn đối với an toàn thông tin mạng tại Việt Nam”, ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Khoa cũng cho biết, trong năm ngoái, hệ thống giám sát của Bộ TT&TT đã ghi nhận hơn 135.190 cuộc tấn công mạng vào các website tại Việt Nam, bao gồm 10.276 cuộc tấn công Phishing (lừa đảo), 47.135 cuộc tấn công Malware (tấn công bằng cách cài mã độc) và 77.779 cuộc tấn công Deface (tấn công thay đổi giao diện).
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng chỉ rõ 5 nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam, đó là: tấn công mạng trên nền tảng IoT; Phần mềm độc mã hóa dữ liệu tống tiền – Ransomware; Lừa đảo trực tuyến, lây nhiễm phần mềm độc hại trên mạng xã hội; Mất an toàn từ các mối đe dọa sẵn có; Tấn công mạng vào hạ tầng quan trọng của cơ quan nhà nước.
Để giảm thiểu rủi ro, hạn chế tối đa các nguy cơ, thách thức, theo ông Khoa, thời gian vừa qua, nhiều giải pháp đã được triển khai. Cụ thể, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như kiện toàn tổ chức, bộ máy, các hoạt động nhằm tuyên truyền; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác cũng đã được triển khai.