Khát vọng, mong muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng đã được lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT nhấn mạnh trong các hội nghị của ngành TT&TT thời gian gần đây.
Cụ thể, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đẩy mạnh vấn đề an toàn bảo mật, phát triển doanh nghiệp an ninh mạng trong nước để Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng.
Yêu cầu này cũng đã được người đứng đầu Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho những người làm công tác an toàn thông tin (ATTT) tại Việt Nam. Trong kết luận của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “An toàn, an ninh mạng được coi là điều kiện để thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền công nghiệp nội dung số. Vì vậy Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng”.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại cuộc gặp mặt hội viên VNISA đầu năm 2019. |
Ở góc độ của đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng, trao đổi tại cuộc gặp mặt đầu năm 2019 của Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) được tổ chức ngày 23/3 vừa qua, ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục ATTT cho biết: “Cục ATTT định nghĩa một cường quốc về an toàn, an ninh mạng là một nước có lực lượng dân sự về an toàn, an ninh mạng đông đảo, có doanh nghiệp trong lĩnh vực này mạnh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu”.
Với định nghĩa như vậy, theo ông Nguyễn Huy Dũng, cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào làm một số ít việc, còn lại tất cả các công việc khác phải do Hiệp hội và các doanh nghiệp làm là chủ yếu. Cùng với đó, Hiệp hội trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng phải mạnh.
Cũng tại buổi gặp mặt đầu năm 2019 của VNISA, đại diện Cục ATTT đã chia sẻ câu chuyện sản phẩm của một doanh nghiệp ATTT Việt Nam đã vượt qua nhiều sản phẩm đến từ 70 quốc gia khác để lọt vào Top 2 cuộc thi do Chính phủ Singapore tổ chức nhằm lựa chọn những công ty có giải pháp sáng tạo nổi bật trong lĩnh vực ATTT mạng.
Doanh nghiệp chiến thắng trong cuộc thi này sẽ nhận được 500.000 đô la Singapore (SGD) tiền mặt để hỗ trợ phát triển sản phẩm mà không kèm theo điều kiện gì. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới.
“Câu chuyện này cho thấy khát khao cầu hiền, khát khao cầu những doanh nghiệp có sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực ATTT mạng của một số Chính phủ, trong đó có chính phủ Singapore rất lớn, được thể hiện bằng hành động cụ thể. Câu chuyện này cũng cho thấy rằng Việt Nam cũng có những sản phẩm sáng tạo, có những doanh nghiệp tiềm năng, những chuyên gia tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực ATTT”, đại diện Cục ATTT chia sẻ.
Nhấn mạnh để phát triển lĩnh vực ATTT mạng, hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan nhà nước cần có sự gắn kết, chung tay trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin, đặc biệt là phải làm sao để xây dựng được một lực lượng dân sự mạnh trong lĩnh vực ATTT mạng.
Đề cập đến việc vai trò của cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển những doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam mạnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng cho hay, quan điểm của Cục ATTT là sẽ không hỗ trợ các yếu tố đầu vào, mà chỉ hỗ trợ các yếu tố đầu ra, tức là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.
Chia sẻ rõ hơn về định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng trong nước phát triển, mở rộng thị trường, đại diện Cục ATTT cho biết, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện thông qua việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất đưa ra những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp có thể phát triển thị trường.
Cụ thể, Cục ATTT sẽ tham mưu để Thủ tướng xây dựng, ban hành về việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong Chỉ thị, Cục đề xuất yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức nhà nước sẽ phải chỉ là được một doanh nghiệp, tổ chức chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ, giám sát ATTT. Cơ quan, đơn vị nào không có thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cùng với đó, để đảm bảo hệ thống của các cơ quan nhà nước được an toàn thường xuyên, liên tục, Cục ATTT cũng tham mưu, đề xuất trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức nhà nước phải có một doanh nghiệp, đơn vị khác hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm tra, đánh giá rà soát định kỳ về an toàn thông tin mạng của hệ thống. Ví dụ, Bộ TT&TT thuê Viettel bảo vệ, giám sát ATTT thì doanh nghiệp kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn cùa hệ thống phải là 1 doanh nghiệp khác để đảm bảo tính khách quan. Theo quy định, tối thiểu các hệ thống thông tin từ cấp độ 4 trở lên 1 năm phải được đánh giá 2 lần, các hệ thống còn lại tối thiểu phải kiểm tra, đánh giá 1 lần.
“Với quy định trên, chúng tôi cho rằng sẽ giúp tạo ra được thị trường cung cấp các dịch vụ bảo vệ, giám sát ATTT và dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT để các doanh nghiệp có thể phát triển”, đại diện Cục ATTT nói.
Tuy nhiên, đại diện Cục ATTT cũng thẳng thắn chỉ rõ 2 tồn tại đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường ATTT mạng Việt Nam, đó là chất lượng và sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; và tình trạng “phá giá” dịch vụ, cùng 1 dịch vụ với khối lượng công việc như nhau nhưng mỗi doanh nghiệp lại cung cấp với mức giá khác nhau, chênh lệch nhau khá lớn.
“Các yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Lời giải cho chúng ta là cần phải có cơ chế liên minh giữa các doanh nghiệp nhằm có sự thống nhất chung”, đại diện Cục ATTT nêu quan điểm.