Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X hôm nay (8/10), Carlos Pereira, quan chức phụ trách các vấn đề song phương thuộc Bộ Ngoại giao Cuba viết: “Cuba đã chính thức xin gia nhập BRICS với tư cách là quốc gia đối tác trong một công văn gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang giữ chức chủ tịch của nhóm này”.
Theo đài RT, ông Pereira mô tả BRICS là “một tác nhân chủ chốt trong nền địa chính trị toàn cầu và là niềm hy vọng cho các quốc gia Nam Mỹ”.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin RIA Novosti hồi cuối tháng 9, Đại sứ Nga tại Cuba từng nhấn mạnh, Moscow rất mong đợi phái đoàn Cuba dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan. Cũng theo nhà ngoại giao này, Tổng thống Putin đã gửi lời mời đến Chủ tịch Cuba Diaz-Canel trước đó một thời gian.
BRICS ban đầu chỉ gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tuy nhiên, đầu năm nay, nhóm đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).
Nhóm BRICS mở rộng hiện chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu và 45% tổng dân số thế giới. Nhóm cũng chiếm hơn 40% sản lượng dầu của thế giới.
Tại cuộc họp của các đại diện an ninh BRICS ở St. Petersburg vào tháng trước, ông Putin thống kê có 34 quốc gia bày tỏ nguyện vọng được tham gia các hoạt động của nhóm. Lãnh đạo Điện Kremlin tiết lộ, các nước thành viên hiện tại đã đồng ý thảo luận về việc cấp quy chế đối tác cho một số quốc gia như vậy và có khả năng phê duyệt một số đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh Kazan từ ngày 22 – 24/10.
Nếu đạt nhất trí, quy chế đối tác sẽ trở thành cách thức mới để cấp tư cách thành viên một phần cho các quốc gia muốn gia nhập BRICS, tạo quá trình chuyển đổi dần dần hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào nhóm.
Hồi cuối tháng 9, Ngoại trưởng Belarus Maksim Ryzhenkov tiết lộ, BRICS có thể kết nạp ít nhất 10 quốc gia thành viên mới, bao gồm cả đất nước của ông tại hội nghị thượng đỉnh Kazan. Trước đó, Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin vào nhóm và trở thành quốc gia NATO đầu tiên làm như vậy.