Cửa hít ô tô bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Ban đầu, tính năng này được trang bị chủ yếu trên các dòng xe sang và cao cấp, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng về sự tiện nghi và an toàn. Một trong những hãng xe tiên phong trong việc trang bị cửa hít là Mercedes-Benz, sau đó là các hãng xe sang khác như BMW, Audi và Lexus.

Tuy nhiên, một người dùng tại Mỹ lại gặp tai nạn không đáng có với loại cửa này.

bmw cua hit 1.jpg
Mẫu BMW X5 2013. Ảnh: Carscoops

Theo trang Carscoops đưa tin, Godwin Boateng - một kỹ sư phần mềm tự do ở New York (Mỹ) – đã bị cửa hít trên chiếc BMW X5 đời 2013 kẹp đứt đầu ngón tay cái.

Cụ thể, vào tháng 7/2016, người này bị cánh cửa bên lái kẹp vào ngón tay cái khi bàn tay đang đặt trên trụ B của xe. Trước đó, cánh cửa còn mở khoảng 30 cm.

Dù được đưa đến bệnh viện kịp thời nhưng các bác sĩ phẫu thuật không thể gắn lại ngón tay cho vị kỹ sư này. Boateng nhanh chóng kiện BMW và đòi bồi thường 3 triệu USD (tương đương khoảng 76,3 tỷ VNĐ). Ông cho rằng mình sẽ bị mất 250.000 USD (khoảng 6,35 tỷ VNĐ) tiền thu nhập mỗi năm do suy giảm khả năng lao động.

BMW đã kiểm tra chiếc X5 của Boateng và kết luận rằng không có vấn đề gì với loại cửa hít trên chiếc xe này.

Nhà sản xuất còn chia sẻ thêm, sổ tay hướng dẫn của chủ xe có cung cấp các cảnh báo về cửa hít và khẳng định rằng “nguyên đơn (chủ xe) được yêu cầu là không được đặt ngón tay hoặc bộ phận cơ thể giữa cánh cửa và khung cửa khi cửa đang đóng."

Trong vụ kiện, Boateng lập luận rằng cơ chế hoạt động của cửa hít trên chiếc xe BMW X5 2013 gây nguy hiểm cho người dùng. Ưu điểm của loại cửa này là chỉ cần một lực đẩy nhẹ, cửa xe sẽ tiếp tục khép kín lại với khung xe một cách êm nhẹ. Nhưng nhược điểm chết người là, khi gặp vật cản ở giữa, cửa xe không dừng lại mà vẫn tiếp tục khép kín, dẫn tới tai nạn kẹp đứt ngón tay người dùng như trường hợp xảy ra với ông Boateng. 

Trong khi đó, cũng là cơ chế tự động khép kín, kính cửa xe ô tô được trang bị cảm biến để phát hiện nếu có vật cản giữa ô cửa thì sẽ ngừng lại.

Kỹ sư phần mềm người Mỹ còn cáo buộc rằng BMW đã biết được các rủi ro tiềm ẩn với cửa hít trên xe của họ - ít nhất từ năm 2002 - nhưng không có hướng khắc phục.

bmw cua hit 2.jpg
Anh Boateng phải đeo ngón tay giả để thay thế (Ảnh: New York Post)

Hồ sơ vụ kiện còn bao gồm một báo cáo chi tiết về chấn thương ngón cái của Boateng, trong đó mô tả cửa xe đã “nhẹ nhàng cắt qua da thịt, dây thần kinh, mạch máu, gân, cơ và cấu trúc xương của ngón tay cái trên bàn tay phải của Boateng.”

bmw cua hit 3.jpg
Anh Godwin Boateng - chủ nhân chiếc BMW X5 2013 (Ảnh: New York Post)

Vụ việc đã được đưa ra xét xử và hồi đầu tháng 7 vừa qua, một bồi thẩm đoàn đã phán quyết BMW cần bồi thường thiệt hại cho chủ nhân chiếc BMW X5 số tiền lên tới 1,9 triệu USD (tương đương 48,3 tỷ VNĐ). Mặc dù BMW không bị phát hiện có lỗi với cửa, bồi thẩm đoàn vẫn kết luận rằng BMW phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chấn thương ngón cái của Boateng. Hiện chưa rõ hãng xe sang nước Đức có kế hoạch kháng cáo phán quyết hay không.

Sau phán quyết, thương hiệu xe nước Đức vẫn tiếp tục khẳng định không có lỗi trong thiết kế cửa hít của xe. 

Điều này cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu BMW có thay đổi thiết kế trong tương lai và đặt an toàn người dùng lên hàng đầu hay không.

Theo Carscoops

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!