Vài ngày trở lại đây, giới công nghệ trong nước khá bất ngờ khi phát hiện một cửa hàng gắn biển hiệu Apple Center ở ngay trung tâm Hà Nội. Càng bất ngờ hơn khi mặt trước cửa hàng này có tạo hình logo “táo khuyết” cỡ lớn đi cùng phong cách thiết kế tương tự như ở các cửa hàng Apple Store của Apple.
Cửa hàng Apple xuất hiện trên khu “đất vàng” Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Cổng Thông tin đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia, địa chỉ này là trụ sở của Công ty TNHH Thương mại Apple Center Việt Nam. Đây là doanh nghệp thành lập ngày 10/9/2020 do bà Lê Thị Hiến (sinh năm 1962) là người đại diện pháp luật.
Thông tin này xuất hiện ngay sau thời điểm Apple đăng tuyển dụng một số nhân sự tại Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy bán tín bán nghi về sự hiện diện các cửa hàng chính thức mang thương hiệu Apple.
Sự hiện diện của logo "táo khuyết" nổi bật khiến ai đi qua cũng phải ngoái đầu nhìn về phía cửa hàng này. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo nguồn tin của VietNamNet, Apple Center ở địa chỉ 41 Hàng Bài (Hà Nội) không phải là cửa hàng nằm trong chuỗi Apple Store của Apple. Nguồn tin này cũng cho biết, Apple đang có biện pháp xử lý đối với cơ sở trên vì hành vi sử dụng logo trái phép.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, tình trạng giả mạo cửa hàng của Apple diễn ra khá thường xuyên tại Việt Nam. Thông thường, những cửa hàng này đều sẽ bị kiện vì vi phạm bản quyền.
Cửa hàng gắn biển Apple Center hiện đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Trọng Đạt |
Phong cách thiết kế của cửa hàng này tương tự với cách bài trí thường thấy tại các cửa hàng của Apple. Ảnh: Trọng Đạt |
Apple không mở các cửa hàng chính thức của mình tại thị trường Việt Nam. Thay vào đó, hãng này phân phối sản phẩm của mình thông qua các công ty phân phối hoặc hệ thống nhà bán lẻ là những đại lý ủy quyền của Apple.
Apple chia các nhà bán lẻ của họ thành 2 cấp độ là Apple Premium Reseller (APR) và Apple Authorised Reseller (AAR). Đây đều là những đại lý được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa. Người mua hàng ở các cửa hàng thuộc 2 cấp độ này cũng không có sự khác biệt về chế độ bảo hành.
Nội thất và phong cách bài trí trong các cửa hàng ủy quyền đạt cấp độ APR và AAR tại Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía Apple. |
Dù là đại lý ủy quyền ở cấp độ cao nhất, những cơ sở này vẫn chỉ được sử dụng logo "táo khuyết" với kích cỡ khiêm tốn ở phía góc của biển hiệu. |
Sự khác biệt giữa APR và AAR nằm ở vị trí và diện tích trưng bày. APR thường có diện tích trên 100m2 và nhằm ở những vị trí trung tâm, có địa thế đẹp. Trong khi đó, những đại lý cấp AAR có quy mô linh hoạt và địa thế thoải mái hơn.
Các hệ thống bán lẻ đạt cả 2 cấp độ APR và AAR tại Việt Nam không nhiều, có thể kể tới một vài tên tuổi như F.Studio by FPT và eDigi. Để đạt được cấp độ này, mọi chi tiết trong cửa hàng đều phải được làm theo chuẩn của Apple, thậm chí cả về vật liệu.
Sự xuất hiện của logo "táo khuyết" cùng dòng chữ Apple Center tại cửa hàng vừa xuất hiện ở Hà Nội đi ngược với các tiêu chuẩn về đại lý ủy quyền cấp cao thường thấy của Apple. Ảnh: Trọng Đạt |
Dù được Apple ủy quyền ở mức độ cao nhất, các cửa hàng kể trên cũng chỉ được để logo “táo khuyết” với kích cỡ rất nhỏ ở phía góc biển hiệu. Apple cũng không cho phép các cửa hàng này được chỉnh kích cỡ logo hay lấy tên chuỗi cửa hàng Apple Store của hãng này. Do vậy, tất cả các cửa hàng treo logo “táo khuyết” cỡ lớn và trưng biển hiệu Apple Store mà không có sự đồng ý của Apple đều là những cơ sở giả mạo.
Trọng Đạt