30 phiên giảm sàn và dư chấn lịch sử
Cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đang trải qua một đợt biến động chưa từng có và hiếm thấy trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cổ phiếu này vừa có 3 phiên tăng trần bất ngờ lên mốc 3.780 đồng/cp trong hôm nay (21/10) sau khi giảm gần 30% thị giá trong tuần trước đó.
Nhưng đó chưa phải là diễn biến đặc biệt nhất. Trước đó, trước khi lấy lại mốc 4.750 đồng/cp vào ngày 8/10 với 8 phiên tăng trần, cổ phiếu FTM đã trải qua 30 phiên giảm sàn và “bay hơi” khoảng 90% thị giá.
Trong cú giảm sàn 30 phiên liên tiếp (từ 15/8 tới 26/9), cổ phiếu FTM mất thanh khoản, giao dịch gần như biến mất. Trong hơn 20 phiên, cổ phiếu này chỉ chứng kiến giao dịch từ vài chục đơn vị cho tới vài ngàn đơn vị, lác đác vài phiên đạt 30-50 ngàn đơn vị, nhưng đây vẫn là một con số quá ít so với tổng cộng số cổ phiếu đang niêm yết là 50 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên. |
Trong lịch sử giao dịch trên TTCK, từng có nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng giảm sàn liên tiếp một vài chục phiên giống như FTM. Rất nhiều các cổ đông nhỏ lẻ, những người mua vào lúc giá cổ phiếu tăng sẽ thiệt hại nặng.
Nhưng trong trường hợp FTM thì khác, các cổ đông chủ chốt nắm gần như toàn bộ số cổ phần của doanh nghiệp. Mười một cổ đông có tỷ lệ từ 4% trở lên đã nắm giữ tới gần 97% số lượng cổ phiếu FTM lưu hành và niêm yết trên TTCK. Đây đều là các cổ đông sáng lập và cổ đông lâu năm tại doanh nghiệp.
Một câu hỏi được đặt ra là, ai là người thiệt hại khi FTM nằm sàn, mất thanh khoản và giảm tổng cộng tới 90%?
Câu trả lời cũng không phải khó khi nhìn vào cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.Các cổ đông chủ chốt nắm giữ tới 97% được xem là người chịu thiệt khi cổ phiếu giảm khoảng 10 lần. Tuy nhiên, để trả lời chính xác nhất là các cổ đông này có thiệt hại hay không và nếu thiết hại thì là bao nhiều thì cần phải biết được giá trị thực của cổ phiếu và vốn góp của các cổ đông vào trong doanh nghiệp từ trước đó.
Một nhóm đối tượng khác cũng được đánh giá là thiệt hại “thấy rõ” là các CTCK rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi không thể bán ra cổ phiếu FTM và giữ lại thì càng thua lỗ. Khoản tiền cho vay margin (ký quỹ bằng chính cổ phiếu FTM) chưa thể thu hồi và giá trị khối tài sản đảm bảo là các cổ phiếu FTM liên tục co ngót.
Theo những thông tin ban đầu, các khoản nợ margin tổng cộng lên tới 200 tỷ đồng, từ khoảng trên 10 CTCK và ngân hàng.
Nghi vấn nhân tố bí ẩn
Trong cú rơi sàn 30 phiên của cổ phiếu FTM, với nhiều người dân trong nghề đã xem các CTCK là “con mồi” của những gã thợ săn. “Thợ săn” được nhắc đến ở đây là “đội lái” và “cổ đông”.
Nhưng đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày cổ phiếu FTM của Fortex báo đèn đỏ và bắt đầu chuỗi rơi tự do với hàng chục phiên không có thanh khoản, đến nay hơn chục CTCK không có thông tin chính thức nào bất chấp các thông tin rò rỉ về nghi vấn thao túng, các khoản nợ margin từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ trên một số tài khoản.
Dùng đòn bẩy margin (ký quỹ) có rủi ro rất cao, thường là đối với người ký quỹ, nhưng giờ cả các CTCK cũng gặp khó. |
Câu hỏi được đặt ra là: thực sự điều gì đang diễn ra? Các CTCK với kinh nghiệm và nghiệp vụ dày dặn liệu có là “nạn nhân” - “con mồi” trong vụ việc này hay không? Và ai thực sự là “thợ săn” giăng bẫy?
Và nếu cả cổ đông và CTCK cùng thiệt hại như vậy, thì ai hưởng lợi ở các trường hợp này?Và đồng tiền (tiền vốn thực có của cổ đông, và tiền cho vay margin của CTCK và các bên thứ ba - trung gian) đã đi đâu?
Trên thực tế, các hợp đồng vay margin đều là thỏa thuận kinh tế - dân sự. Khi duyệt cấp margin cho các mã cổ phiếu có rủi ro cao (thường thể hiện ở các biểu hiện: công ty có tỉ suất sinh lời kém, chất lượng tài sản và doanh thu không tốt, cổ phiếu có thanh khoản tự nhiên thấp, cơ cấu sở hữu tương đối cô đặc,... ), các CTCK có bộ phận thẩm định để hiểu được rủi ro này.
Nhưng sự đánh đổi là lợi nhuận lớn nhờ việc thu phí giao dịch, và lãi suất cho vay thường cao hơn mặt bằng cho lãi suất tín dụng ngân hàng. Tùy vào quy trình và sự dồi dào của dòng vốn, lãi suất cho vay margin có thể dao động từ hơn 10% đến 15-16%.Chưa kể những thỏa thuận ngoài.
Ý thức về rủi ro còn thể hiện trên các hợp đồng cho vay, khi CTCK thường lồng vào các điều khoản trói buộc nhà đầu tư khá hà khắc.
Điển hình là việc nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu rớt giá, CTCK sẽ được phép bán giải chấp. Nếu số tiền thu về từ giải chấp không đủ bù đắp khoản vay, nhà đầu tư phải bổ sung thêm tài sản khác để đảm bảo khả năng trả nợ. Về lí thuyết, những điều khoản như vậy sẽ giúp CTCK bảo toàn lợi ích trong kịch bản xấu.
Các ngân hàng - những nhà cho vay chuyên nghiệp - cũng có những điều khoản tương tự. Chặt chẽ hơn, nhà băng thường ủy quyền cho CTCK làm đại diện quản lí các nguồn trả nợ và tài sản đảm bảo, cũng như quyền xử lí tài sản khi xảy ra vấn đề với nghĩa vụ trả nợ của nhà đầu tư.
Còn các nhà trung gian, chính là những người tạo lập chuỗi quan hệ này, luôn được hưởng lợi trong kịch bản tốt cho họ tạo ra, và nghĩ rằng cổ đông sẽ phải gánh chịu mọi nghĩa vụ trong kịch bản xấu vì nhà trung gian là “người vô hình” trong các hợp đồng, thỏa thuận.
Các cổ đông, người kì vọng vào lợi ích từ việc giá cổ phiếu tăng và khả năng chốt lời thông qua việc trao tay được cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới, chấp nhận chi trả cho mọi bên liên quan khác để đạt được kì vọng của mình.
Vì vậy, sẽ thật khó để có được câu trả lời: ai là “thợ săn”, ai là “con mồi” trong những kịch bản xấu nếu không xác định được cụ thể những khoản tiền mặt đã chảy đi đâu, ai là người hưởng lợi (hợp pháp hay không hợp pháp, trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng).
Trong biên bản cuộc họp của đại diện các CTCK được cho là bị thiệt hại, có nhắc tới cái tên SMD Holdings, một công ty chuyên tư vấn tài chính doanh nghiệp và tư vấn đầu tư. Công ty này còn được biết đến là đơn vị tư vấn niêm yết cho Địa ốc Alibaba.
Trong biên bản nói trên, đại diện các CTCK cho rằng các giao dịch có dấu hiệu thao túng giá đều được thực hiện tại các địa chỉ IP từ văn phòng của SMD Holdings. SMD Holdings cũng được cho là nhà trung gian như mô hình nhắc đến trên đây, kết nối các nhà đầu tư với CTCK để lập các tài khoản giao dịch margin và “thay mặt” nhà đầu tư để giao dịch và cuối cùng dẫn đến cú rơi lịch sử 30 phiên của cổ phiếu FTM khiến cả CTCK và cổ đông khốn đốn.
Trước mắt, khi quý 3 vừa trôi qua, trên báo cáo tài chính của các CTCK nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm phần trích lập dự phòng và lợi nhuận sẽ bị xói mòn đáng kể, đặc biệt với các CTCK nhỏ.Dài hơi hơn, nếu các cổ đông có nợ xấu xác nhận nợ nhưng không thể tìm kiếm được nguồn tài sản bổ sung để trả nợ thì khả năng CTCK thu hồi được nợ không hề dễ dàng nếu chỉ dựa vào điều khoản hợp đồng và các phán quyết dân sự.
Và nếu chuyện thao túng là có thật, thì việc xác định người bị hại và người hưởng lợi cũng không hề đơn giản. Câu trả lời cho câu hỏi ai là nạn nhân và ai là người hưởng lợi trong vụ việc này chỉ thực sự rõ ràng nếu có kết luận từ cơ quan chức trách.
Mai Hà