Tuần này, Netflix cho biết số thuê bao rời đi nhiều hơn số đăng ký trong 3 tháng đầu năm. Đây là lần đầu tiên, Netflix ghi nhận lượng người dùng sụt giảm lớn như vậy, đảo ngược một thập kỷ tăng trưởng ổn định.
Vào ngày 20/4, cổ phiếu của công ty đã giảm 35%, kéo theo 50 tỷ USD vốn hóa thị trường bị “bay màu”. Vận đen không chỉ xảy đến với Netflix, khi mà cổ phiếu của các công ty như Disney, Warner Bros. Discovery và Paramount cũng đồng loạt suy giảm.
Netflix cho rằng, tình hình cạnh tranh gia tăng và quyết định ngừng hoạt động tại Nga đã tác động không nhỏ tới kinh tế của tập đoàn. Sau nhiều năm thống lĩnh thị trường trực tuyến, đây là thời điểm Netflix dễ dàng bị đánh bật bởi các nền tảng trực tuyến khác.
Vào tháng 3, Netflix bắt đầu thử nghiệm thu phụ phí đối với những người dùng chia sẻ tài khoản với những người không cùng chung nhà. Giám đốc điều hành Barry Diller cho rằng mô hình kinh doanh mới này của Netflix chưa thực sự hiệu quả.
Để nắm bắt xu hướng cũng như cạnh tranh với Netflix, các kênh truyền hình truyền thống đã và đang “đổ tiền” vào dịch vụ xem phim trực tuyến.
Điển hình, Disney đã đầu tư hàng tỷ USD bổ sung cho kho nội dung khổng lồ của mình. Discovery và Warner Media hoàn tất việc hợp nhất trong tháng này để cạnh tranh với những dịch vụ phát trực tuyến khác. Không dừng lại ở đó, CNN cũng giới thiệu tới công chúng nền tảng trực tuyến riêng.
Tuy nhiên, từ sự cố của Netflix, có thể thấy những khoản đầu tư khổng lồ đó kéo theo rất nhiều rủi ro. Nhà phân tích tại LightShed Partners, Rich Greenfield dự đoán thị trường phát trực tuyến có thể gặp khó khăn trong vài năm tới.
Kevin Westcott, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Deloitte, cho biết có nhiều người tiêu dùng có xu hướng hủy dịch vụ khi chương trình yêu thích của họ kết thúc. Theo Deloitte, 25% khách hàng tại Mỹ đã hủy dịch vụ phát trực tuyến chỉ để đăng ký lại dịch vụ đó trong vòng một năm.
“Họ thất vọng vì phải đăng ký quá nhiều để xem được nội dung mình mong muốn”, ông Westcott nói thêm.
Trong 5 năm qua, Netflix đã tốn hàng triệu USD để chạy theo Giải thưởng Viện hàn lâm. Đến nay, Netflix vẫn chưa giành được giải Oscar nào cho hạng mục phim hay nhất. Tuy nhiên, nỗ lực nghiêm túc trong việc làm phim của gã khổng lồ đã được ca ngợi.
Nhà sản xuất phim người Mỹ, Michael Shamberg, cho rằng nếu tốc độ tăng trưởng người đăng ký của Netflix chậm lại sẽ dẫn đến việc nền tảng này buộc phải cắt giảm nội dung cũng như các chương trình sáng tạo và phim điện ảnh hướng tới Oscar.
Một câu hỏi về việc liệu nội dung gốc của Netflix có đủ mạnh tạo nên sự khác biệt hay không, khi các công ty giàu tài chính hơn như Apple và Amazon tiếp tục tăng chi tiêu.
Các chương trình được giới phê bình đánh giá cao như “Severance”, được đưa trên Apple TV + và phần đầu tiên sắp tới của phần tiền truyện “Chúa tể của những chiếc nhẫn” mà Amazon được cho là đã chi hơn 450 triệu USD.
Đứng trước tình hình bất lợi về kinh tế, Netflix buộc phải làm điều chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, đó là chèn quảng cáo. Đồng Giám đốc điều hành Netflix, Reed Hastings, đã thề rằng sẽ không bao giờ có quảng cáo trên Netflix, cho biết công ty sẽ xem xét giới thiệu một cấp hỗ trợ quảng cáo có giá thấp hơn trong 1 hoặc 2 năm tới. Netflix cũng cho hay, họ sẽ ngăn chặn việc chia sẻ mật khẩu.
Tuy nhiên, Netflix không có kinh nghiệm bán quảng cáo, trong khi những đối thủ như Disney, Warner Bros. Discovery và Paramount có cơ sở hạ tầng quảng cáo rộng lớn. Ông Hastings cố gắng trấn an mọi người rằng Netflix đã trải qua thời kỳ khó khăn trước đây và hãng sẽ giải quyết được các vấn đề của mình.
Thái Hoàng (Theo NYP)