- Cử tri đề nghị không vay tiền, không nhận viện trợ từ TQ, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì TQ đang tranh chấp, thậm chí đang chiếm lãnh thổ của VN và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói tại phiên chất vấn.
Các ĐB dành những câu hỏi lớn, quan trọng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Nam đặt vấn đề: Trước việc TQ bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên Biển Đông, Chính phủ sẽ có những chủ trương, giải pháp nào? Đặc biệt, Thủ tướng cho biết việc thực hiện nghị quyết của QH đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) mở rộng vấn đề: Nền kinh tế VN đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế TQ trên hầu hết các lĩnh vực và đe dọa chủ quyền về kinh tế của chúng ta.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
"Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, TQ nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ TQ, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì TQ đang tranh chấp và thậm chí đang chiếm lãnh thổ của VN và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn", ông Nghĩa nói.
"Nhận viện trợ hay vay ODA của TQ cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ và vay từ TQ vì còn nhiều nguồn khác để vay tiền".
Người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng trăn trở khi tham nhũng không giảm mà ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp.
"Khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại. Cử tri hết sức lo lắng. Rất mong Thủ tướng giải thích cho cử tri thêm về việc này và cho biết những cam kết về giải pháp của Chính phủ. Cử tri rất cần những lời cam kết có thể kiểm chứng và xử lý trách nhiệm về sau", ĐB TP.HCM nói.
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực trạng cấp phó: "Ta đã có luật Chính quyền địa phương và luật Tổ chức Chính phủ, quy định số lượng cấp phó. Các luật này có hiệu lực từ 1/1/2015. Chính phủ hứa hẹn số lượng cấp phó sẽ giảm trong quá trình thực hiện luật, vậy trong 1 tháng trước khi luật có hiệu lực có phát sinh thêm phó không?".
ĐB Nguyễn Văn Hiến |
Ông đề nghị Thủ tướng không bổ nhiệm và chỉ đạo các bộ không bổ nhiệm thêm cấp phó ở các bộ đã có đủ phó theo luật, để thực hiện nghiêm túc 2 luật trên.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) dành một câu hỏi vĩ mô cho Thủ tướng: Giải pháp nào, đột phá nào để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, một Chính phủ tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội thay vì một Chính phủ quản trị toàn diện, nhà nước kế hoạch hóa?
"Nhà nước chỉ làm những gì người dân và xã hội không làm được. Điều này cũng thể hiện chủ trương xã hội hóa phát huy nguồn lực to lớn của toàn xã hội để nước ta sớm có một Chính phủ tinh gọn nhất. Trong một xã hội dân sự rộng lớn nhất, như mô hình đầy hiệu quả của Singapore và các nước Bắc Âu, triết lý của họ là chính phủ quản lý tốt nhất là chính phủ ít phải quản lý nhất", ông Tiến phát biểu.
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc mong Thủ tướng tổ chức lại bộ máy để đảm bảo cuộc sống người dân được an toàn hơn, trước những đe dọa từ an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tội phạm diễn biến phức tạp...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đăng đàn trong 75 phút cuối giờ sáng mai.
Chung Hoàng - Hoàng Long