Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất từ 2008

Áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục lan rộng tại châu Âu và Mỹ cùng với một cuộc chiến dầu khí giữa OPEC, Nga và Mỹ bắt đầu.

Sau một tuần biến động chưa từng có với nhiều phiên tăng giảm với biên độ ngàn điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones mở đầu tuần mới tiếp tục bốc hơi thêm hơn 2.000 điểm (tương đương giảm 7,8%) xuống 23.851 điểm.

Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Hàng loạt các cổ phiếu lớn, từ ngành hàng không cho tới ngân hàng, công nghệ như Boeing, Apple, Goldman Sachs, Caterpillar… đều tụt giảm rất mạnh.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 tụt giảm ở mức tương tự, mất 7,6% chỉ trong một phiên đầu tuần với nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là năng lượng và tài chính. Nhóm cổ phiếu năng lượng như Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil đều lao dốc hơn 20%.

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composit giảm 7,3% xuống dưới 8.000 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh tới mức, thị trường tự động ngắt mạnh chỉ vài phút sau khi mở cửa và phải tạm dừng trong vòng 15 phút.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tụt giảm.

TTCK tụt giảm mạnh chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 trong bối cảnh dịch  Covid-19 lan rộng tại châu Âu và Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng kép: tụt cung và cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phá vỡ, trong khi sức tiêu dùng cũng sẽ tụt giảm. Nền kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái, chứ không chỉ còn là suy giảm tăng trưởng.

Dòng tiền tháo chạy khỏi chứng khoán và tìm đến các loại tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng Yen của Nhật và fransc Thụy Sĩ...

Lần đầu tiên trong lịch sử, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 0,5% (có lúc xuống tới mức 0,318%), trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mốc 1%.

Chứng khoán Mỹ giảm còn do giới đầu tư sốc khi chứng kiến cuộc chiến dầu khí bất ngờ bị kích hoạt một cách nhanh chóng. Saudi Arabia đã quyết định cắt giảm mạnh giá dầu và tăng sản lượng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Nga.

Chỉ trong một phiên, dầu giảm giá 25% và được dự báo có thể xuống 20 USD/thùng trong năm nay, một con số khiến bất cứ nước xuất khẩu dầu mỏ nào cũng rùng mình. Mức dầu 30 USD/thùng nhưng năm trước đã đẩy nước Nga vào khủng hoảng.

{keywords}
Chỉ số Dow Jones giảm mạnh chưa từng có.

Bước ngoặt kinh tế thế giới

Hai cú sốc liên tiếp: sự lan rộng của dịch Covid-19 và một cuộc chiến dầu khí mới đang tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường tài chính thế giới và là một bước ngoặt đối với nền kinh tế toàn cầu.

Hiện tượng vàng tăng giá mạnh và đồng USD tụt giảm là một minh chứng cho sự biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới.

Không còn giống như trước đây, đồng USD không còn được coi là một kênh đầu tư tránh bão. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 sau vụ ngân hàng Lehman brothers phá sản đã cho thấy điều này. Đồng bạc xanh giờ đây còn yếu thế hơn dưới thời tổng thổng Mỹ Donald Trump bởi chính sách không muốn duy trì một đồng USD mạnh, ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Quyết định bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản 50 điểm phần trăm hôm 3/3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những tín hiệu cho thấy Mỹ có thể cắt giảm thêm 50-75 điểm phần trăm trong cuộc họp 18/3 tới cho thấy chính sách của nước Mỹ thực sự đã thay đổi.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang họp bàn và Nhật có mức lãi suất hiện đã quá thấp thì hàng loạt các nước khác, trong đó có Mỹ, đã bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Một cuộc chiến tiền tệ lần thứ 2 trong vòng vài năm đã bắt đầu.

Với một đồng USD yếu hơn, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có lợi thế và chuẩn bị tốt hơn trước một đại dịch được cho là còn tiếp tục lan rộng.

{keywords}
Cuộc chiến dầu khí bắt đầu sau khi OPEC và Nga thất bại trong đàm phán.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 không còn là vấn đề nghiêm trọng nhất ở thời điểm hiện tại, mà giờ đây điều nhiều nhà đầu tư lo ngại nhất chính là cuộc chiến dầu khí do Saudi Arabia - đồng minh của Mỹ - châm ngòi.

Trước đây, Saudi Arabia là quốc gia có thị phần và ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, Mỹ từ một nước tiêu thu dầu lớn nhất nhì thế giới đã trở thành một nước xuất khẩu ròng dầu. Mảng dầu khí đã phiến của Mỹ phát triển rất nhanh và là yếu tố khiến giá dầu thế giới tụt giảm từ đỉnh cao 140 USD về 30-40 USD/thùng trong những năm 2014-2016. Nga cũng đẩy mạnh xuất khẩu dầu và có ảnh hưởng lớn trên thị trường này.

Quyết định giảm mạnh giá dầu thô và nâng sản lượng dầu khai thác của Saudi Arabia sau khi đàm phán của OPEC sụp đổ là một bước ngoặt không ngờ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang lao đao với dịch bệnh Covid-19. Saudi Arabia có thể giành thêm thị phần trong cuộc chiến mới, nhưng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

{keywords}
Ông Trump và Putin gặp khó.

Với những diễn biến mới, không chỉ Nga có thể sẽ rơi vào khủng hoảng (nếu giá dầu ở mức thấp kéo dài), mà ngay cả ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ cũng sẽ lao đao nhưng Saudi Arabia không biết sẽ trụ được bao lâu khi ngân sách vẫn phụ thuộc chính vào xuất khẩu dầu khi.

Nếu cuộc chiến dầu khí kéo dài, thì chứng khoán Mỹ, các chỉ số như Dow Jones hay S&P 500 sẽ khó có thể trụ được. Sức mạnh của ông Donald Trump sẽ bị ảnh hưởng. Và điều này có thể tác động tới kết quả cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

M. Hà