Trên CNBC, nhà đầu tư kỳ cựu Carl Icahn vừa đưa ra cảnh bảo về một cuộc suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra, đồng thời doanh nhân này cho biết đã mua vào các công cụ phòng hộ trước lo ngại trước khả năng thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh.
Carl Icahn cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến “một cuộc suy thoái hoặc tệ hơn”. Chủ tịch Icahn Enterprises cho rằng, lạm phát gia tăng là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế thế giới, và cuộc chiến Nga-Ukraine làm tăng thêm sự không chắc chắn.
Trong báo cáo công bố 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4 năm 2022 với tựa đề “Đương đầu Bão tố” cho rằng, sự phục hồi kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương gặp rủi ro từ chiến tranh tại Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm.
Theo WB, tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo đạt tốc độ 5% trong năm 2022, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2021.
Theo WB, chiến tranh tại Ukraine đang đe dọa tiến trình phục hồi không đồng bộ tại các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD) sau cú sốc COVID-19. Chiến tranh diễn ra khi các nền kinh tế vẫn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài, chính sách thắt chặt tài chính của Mỹ, kết hợp với việc dịch COVID-19 tái bùng phát và chính sách Không-COVID tại Trung Quốc.
Những cú sốc do chiến tranh tại Ukraine gây ra kéo theo các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gia tăng căng thẳng tài chính và giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Những quốc gia nhập khẩu nhiên liệu quan trọng trong khu vực như Mông Cổ và Thái Lan, hoặc quốc gia nhập khẩu lương thực như các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải chứng kiến thu nhập thực giảm. Những quốc gia có nợ lớn như Lào và Mông Cổ hoặc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam đang có nguy cơ với các cú sốc về tăng trưởng và tài chính toàn cầu.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, trong lúc các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương vừa bắt đầu phục hồi sau cú sốc do đại dịch gây ra, chiến tranh tại Ukraine lại tạo thêm áp lực cho đà tăng trưởng. Và chỉ có nền tảng căn bản vững chắc và chính sách lành mạnh mới có thể giúp khu vực chống chọi với những cơn bão này.
Mặc dù những quốc gia sản xuất hàng hóa hoặc có chính sách tài khóa thận trọng có thể được trang bị tốt hơn để đương đầu với những cú sốc này, tác động dội của những sự kiện này sẽ làm triển vọng tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trong khu vực xấu đi. Tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt tốc độ 5% trong năm 2022, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2021.
Đối mặt với cú sốc mới về cung-cầu
Nếu tình hình toàn cầu xấu đi và các quốc gia có các chính sách ứng phó yếu ớt, tăng trưởng có thể giảm chỉ còn 4%. Trung Quốc, quốc gia đóng góp đến 86% sản lượng của khu vực, được dự báo tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu. Sản lượng của các quốc gia còn lại trong khu vực được dự báo tăng trưởng 4,8% theo kịch bản cơ sở và 4,2% theo kịch bản xấu. Theo kịch bản xấu, sẽ có thêm 6 triệu người trong khu vực vẫn bị kẹt dưới ngưỡng nghèo ở mức 5,5 USD/ngày trong năm 2022.
Chiến tranh diễn ra, điều kiện huy động vốn thắt chặt kết hợp với hoạt động kinh tế chững lại ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn hậu COVID. Nhiều doanh nghiệp trong khu vực đang gặp khó khăn, trong đó có trên 50% các doanh nghiệp cho biết bị nợ đọng trong năm 2021, sẽ phải tiếp tục đối mặt với những cú sốc mới về cung và cầu.
Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, các cú sốc diễn ra liên tiếp có nghĩa là nỗi đau kinh tế ngày càng gia tăng của người dân sẽ bị cộng hưởng bởi năng lực tài chính ngày càng hẹp của chính phủ.
Báo cáo của WB khuyến nghị bốn nhóm hành động chính sách. Thay vì kiểm soát giá cả và hỗ trợ toàn diện, cần áp dụng hỗ trợ có mục tiêu cho hộ gia đình và doanh nghiệp để vừa hạn chế nỗi đau do các cú sốc gây ra, vừa tạo dư địa đầu tư để kích thích tăng trưởng.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính cần được đánh giá sức chịu đựng để giúp xác định rủi ro tiềm ẩn sau quy định cho phép gia hạn thời gian trả nợ. Cải cách chính sách thương mại hàng hóa, và đặc biệt về thương mại các ngành dịch vụ đang được bảo hộ, sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng quá trình chuyển dịch trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, cần cải thiện kỹ năng và đẩy mạnh cạnh tranh để tăng cường năng lực và động lực áp dụng công nghệ số mới ra đời.
Mỹ hiện đối mặt với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua (7,9%) và Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên (tăng 25 điểm phần trăm lên 0,25-0,5%/năm) sau hơn 3 năm trong nỗ lực chống lại lạm phát. Fed nhiều khả năng sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tới. Dự kiến Fed có 7 lần tăng lãi suất trong năm nay
Tại Việt Nam, WB dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. GDP trong 2021 đạt 362,6 tỷ USD. Dự báo của WB được đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với COVID của Việt Nam khi mà trên 78% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
M. Hà