Mới đây Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Động thái này nếu trở thành sự thật sẽ như khiến ngành sản xuất thép cán nóng của Việt Nam nhận thêm “cú sốc kép”: Vừa mất thị phần xuất khẩu, vừa mất thị trường trong nước bởi hàng nhập khẩu.
Theo số liệu của Tập đoàn Hoà Phát, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa. Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo đánh giá về Tập đoàn Hoà Phát mới nhất cũng nhắc đến câu chuyện này. Ngoài ra, SSI cho biết, Liên minh châu Âu đã quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ đối với thép nhập khẩu đến hết tháng 6/2026, đồng thời áp dụng hạn ngạch 15% của danh mục "các nước khác" tương đương khoảng 142.000 tấn/quý đối với Việt Nam.
“Chính sách này có thể làm giảm hạn mức HRC từ Việt Nam vào châu Âu khoảng 50% so với năm 2023. Mức thuế áp dụng đối với thép ngoài hạn ngạch là 25%”, SSI dự báo.
Trong khi đó, theo SSI, thị trường châu Âu chiếm khoảng 10% và 37% tổng doanh thu xuất khẩu của Hoà Phát trong năm 2022 và 2023, lần lượt đóng góp là 2,1% và 10,7% tổng doanh thu của Hoà Phát.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Các nước vẫn áp dụng biện pháp tự vệ khi sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng nề bởi hàng nhập khẩu. Biện pháp tự vệ thường là giải pháp áp dụng trong một thời gian ngắn hạn. Để xem xét thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc có bán phá giá hay không thì phải thông qua thủ tục điều tra với hàng hoá đó của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương. Đây là biện pháp hoàn toàn có thể triển khai để bảo vệ sản xuất trong nước.
"Còn trước mắt, việc áp dụng các biện pháp tự vệ là cần thiết khi thấy sản xuất thép dưới mức công suất thiết kế, thị trường sụt giảm. Trong lĩnh vực thép, khi các doanh nghiệp đang có thị phần và sụt giảm thị phần nhanh chóng như hiện nay thì cần có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước, và đó cũng chính là bảo vệ nền sản xuất trong nước”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho rằng: Về lâu dài, trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0 theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, chúng ta có thể đưa ra các hàng rào phi thuế quan, dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thép nhập vào Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đó. Hàng rào phi thuế quan đó chính là các hàng rào về kỹ thuật, còn hiện nay hàng nhập khẩu đang vào Việt Nam rất thuận lợi.
“Trong khi đó, sắp tới xuất khẩu thép trong nước chịu ảnh hưởng từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu, cho nên lượng xuất khẩu chắc chắn từ 2026 sẽ giảm nặng nề do không đáp ứng tiêu chí carbon”, bà Thảo lưu ý tiếp.