Đọc bài “Nữ sinh lớp 12 và những ngày khủng hoảng khi bố mẹ ly hôn” tôi thấy hoàn cảnh mình sao giống em đến thế. Nhưng ở tôi, khi học lớp 12 không phải bố ly hôn mà “bước thêm bước nữa” vì mẹ tôi mất trước đó.
Tôi sinh ra trong thời bao cấp khốn khó, bố tôi là công nhân, thường xuyên xa nhà. Mẹ tôi làm ruộng tảo tần nuôi 5 chị em tôi trong điều kiện kinh tế hạn hẹp nhất có thể. Quê tôi, dải đất miền trung gió Lào nắng cháy, mùa giáp hạt tháng 3 tháng 8 thiếu ăn thường xuyên.
Mẹ tôi vốn rất nhanh nhẹn, tháo vát và động viên các chị em tôi ráng học để sau này kiếm một cái nghề nuôi sống bản thân, tránh phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giống như mẹ.
Lúc đó, tôi chưa hiểu hết lời khuyên răn của mẹ nhưng vẫn cố gắng học giỏi cho mẹ vui. Mỗi lần mẹ họp phụ huynh về, trên gương mặt mẹ hân hoan vui mừng khi thầy cô giáo khen con gái của mẹ - là tôi – luôn học giỏi, đứng đầu lớp về thành tích học tập. Đó là động lực duy nhất để tôi cố gắng không ngừng vươn lên.
Nhưng rồi một biến cố lớn xảy ra với gia đình khi mẹ tôi bị đột tử. Đó là một cú sốc quá lớn đối với bố con tôi. Lý do là gia đình tôi từ biệt quê hương đi vào Miền Nam lập kinh tế mới. Mặc dù mẹ tôi đã tiên phong đi trước xem tình hình và mua nhà, mua đất nhưng sau đó vì quá lo lắng mà mẹ tôi trở nên trầm cảm nặng. Không lâu sau đó mẹ tôi qua đời.
Tôi đau khổ, buồn chán, hụt hẫng. Tôi vẫn cố gắng học nhưng kết qủa học tập không còn được như trước. Phần thì không có mẹ bên cạnh động viên, an ủi, phần thì ở môi trường mới hoàn toàn lạ lẫm đối với tôi nhưng lý do quan trọng nhất là tôi phải lo toan việc nhà giúp bố.
Đứa con gái 13 tuổi đầu – là tôi- phải làm đủ mọi việc: làm rẫy, chăn bò, nuôi heo, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…các việc mà trước đây mẹ tôi vẫn thường làm.
Bố tôi vẫn đi làm xa, các chị lớn cũng đi học ở thành phố, đứa em trai còn nhỏ. Tôi cố gắng làm mọi việc giúp bố cũng muốn để bổ khỏi buồn và quan trọng hơn là bố đừng rước người phụ nữ khác về thay thế mẹ.
Một đứa con gái mới lớn như tôi, tưởng tượng việc phải sống chung với người phụ nữ không phải là mẹ mình thật là kinh khủng.
Ảnh minh họa |
Ba năm sau kể từ ngày mẹ mất, điều khủng khiếp xảy ra với chị em tôi khi tôi học lớp 12, một “bước ngoặc” lớn nhất trong việc chọn nghề của mình: Bố tôi cười vợ khác.
Người phụ nữ mà chị em tôi không mong đợi đã bước vào nhà thay thế mẹ tôi. Khỏi phải nói tôi buồn chán như thế nào ! Tôi đã khóc rất nhiều và phản đối kịch liệt trước quyết định của bố, nhưng bố tôi dường như không quan tâm đến suy nghĩ của các con.
Thay vì thuyết phục, giải thích hoặc thể hiện sự thương yêu của mình đối với các con hơn khi có vợ mới thì bố tôi phản ứng ngược lại. Tôi không muốn kể xấu bố mình nhưng cho đến giờ tôi vẫn thấy rằng hành động của người lớn như vậy chỉ làm hỏng tương lai của con trẻ.
Bố tôi cắt đứt mọi viện trợ cho con cái học hành, không riêng gì tôi mà đứa con trai duy nhất của bố cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mọi tiền bạc, tình cảm bố dồn cho “dì ghẻ” và đứa con gái bé bỏng của bố và dì.
Chúng tôi thành “trẻ mồ côi” từ đó, mặc dù bố vẫn còn hiện hữu. Tôi cũng ráng học lấy bằng lớp 12 năm đó. Mọi ước mơ, hoài bão của đứa con gái mới lớn như tôi tan vào mây khói. Giống như các bạn cùng trang lứa, học xong 12 tôi cũng nộp hồ sơ thi vào Đại học sư phạm, vì tôi nghĩ sẽ phù hợp với khả năng, sở trường của tôi.
Tuy nhiên, tôi không đủ tiền xe để lên thành phố thi Đại học chứ chưa nói đến việc trang trải học tập nếu thi đậu. Bên cạnh đó, còn đứa em trai thua tôi 7 tuổi ở nhà không ai chăm sóc, dạy dỗ.
Tôi quyết định bỏ dở việc học tập để đi làm kiếm sống. Tôi làm đủ mọi nghề: làm thuê, công nhân… sau ba năm bươn chải kiếm tiền tôi chợt nhận ra rằng tương lai phía trước sao mờ mịt quá, sức khỏe của tôi không phù hợp với lao động nặng nhọc, câu nói của mẹ “kiếm cai nghề khỏi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn còn y nguyên trong tôi.
Cuối cùng tôi quyết định thi đại học trở lại. Quyết là làm, sau một thời gian ngắn tự học, tôi đã thi đỗ đại học với số điểm tương đối cao.
Bây giờ, tôt nghiệp đại học và đi làm gần được 20 năm nhưng trong tôi vẫn chất chứa một điều buồn vời vợi. Mặc dù rất nhiều cố gắng, tôi có một việc làm tốt nhưng so với bạn bè cùng trang lứa tôi còn thua kém nhiều mặt.
“Con gái có thì”, suốt quãng thời gian sinh viên tôi luôn mặc cảm, tự ti với đám bạn khi “già” nhất lớp nên các hoạt động ngoại khóa hầu như tôi không tham gia.
Sau này đi làm mặc dù nỗ lực rất nhiều nhưng tôi thấy mình lạc lõng so với đồng nghiệp, nhất là cơ hội chọn bạn đời của tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ…
Phải chi, những người lớn, nhất là bố tôi biết quan tâm, chia sẻ với con cái nhiều hơn thay vì áp đặt, mệnh lệnh. Phải chi tôi có quyết định sáng suốt, đừng bỏ học nửa chừng để theo đuổi niềm đam mê đến cùng thì cuộc đời của tôi có thể sẽ khác.
Cuộc sống thiệt thòi khi vắng bóng mẹ |
Tôi viết lên tâm sự này không phải để trách cứ bố mình, hay “vạch áo cho người xem lưng” nhưng muốn gửi gắm đến những người lớn, làm cha làm mẹ hãy dành thời gian quan tâm hơn đến con cái, nhất là giai đoạn quan trọng như lớp 12, quyết định tương lai cả cuộc đời con trẻ, thay vì áp đặt hoặc sống ích kỷ chỉ quan tâm đến cái “tôi” của mình.
Độc giả Ngọc