Giá dầu tăng mạnh

Giá dầu thế giới trong phiên đầu tuần bất ngờ tăng vọt thêm 12-13% sau khi nhóm vũ trang Houthi, được cho là được hỗ trợ bởi Iran, đã có một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào giếng dầu lớn thứ 2 và nhà máy lọc dầu tại Abqaiq, Ả rập Xê út (Saudi Arabia), đất nước cung ứng khoảng 5% dầu thế giới.

Dầu WTI tăng mạnh từ dưới 55 USD/thùng cuối tuần trước lên trên ngưỡng 60 USD/thùng. Trong khi dầu Brent tăng mạnh hơn với gần 8 USD lên trên ngưỡng 68 USD/thùng.

Thông tin này ngay lập tức tác động tới thị trường tài chính toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ giảm, trong khi vàng tăng giá mạnh… 

{keywords}
Giá dầu bất ngờ tăng mạnh.

Giới đầu tư lo ngại giá dầu tăng sẽ tác động đến chi phí đầu vào của nền kinh tế các nước vốn đang trầy trật tìm đường thoát khỏi nguy cơ suy giảm tăng trưởng, thậm chí suy thoái.

Saudi Arabia được biết đến là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 trên thế giới và là đồng minh của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng chính là nước đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu trong vài năm gần đây và khiến giá dầu tụt từ ngưỡng 120 USD/thùng năm 2014 xuống dưới 30 USD hồi đầu năm 2016. Sản lượng dầu của Saudi Arabia vài năm gần đây đều trên 10 triệu thùng/ngày, có lúc đe dọa vượt Nga để trở thành thành nước sản xuất lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/9 cho biết, Mỹ có thể sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để làm giảm giá dầu. Số lượng sẽ được xác định sau. Mỹ cũng chờ những đánh giá từ chính quyền Saudi Arabia.

Giá dầu tăng tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu tăng cũng giúp Mỹ hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu mỏ, nhất là dầu khí đá phiến vốn giúp nước Mỹ trở thành đối lớn trên thị trường dầu mỏ thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do nền kinh tế thứ 2 thế giới đang trong công cuộc phát triển mạnh theo chiều rộng.

Bên cạnh mở kho dầu dự trữ chiến lược, Mỹ còn một cách khác để tăng nguồn cung bù đắp phần dầu thiếu hụt từ Saudi Arabia là nỏi lóng lệnh trừng phạt cho phép Iran xuất khẩu dầu mở. Tuy nhiên, đây là một điều có lẽ chính quyền ông Trump sẽ không bao giờ thực hiện. 

{keywords}
Biến động giá dầu từ 1996 tới nay.

Trước đó, Mỹ đã gây áp lực tối đa lên Iran (nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC), trong đó có yêu cầu các nước phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ nước này.

Dầu mỏ cũng được xem là một quân bài của ông Donald Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bên cạnh “vũ khí” thuế quan. Gần đây, thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi 2 bên đồng ý tái đàm phán vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, mẫu thuẫn giữa 2 cường quốc còn rất lớn.

Trong nhiều năm gần đây, không chỉ công nghệ, một trong những điểm tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc chính là giá dầu và nguồn cung dầu mỏ. Vấn đề trên Biển Đông cũng cho thấy một câu chuyện liên quan tới việ kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch cũng như việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. 

{keywords}
Ông Trump muốn thúc đẩy dầu khí đá phiến và vị thế của nước Mỹ trên thị trường năng lượng quốc tế.

Áp lực mới đối với Bắc Kinh

Sáng kiến Một vành đai một con đường, bao gồm cả trên bộ và trên biển cũng đều gắn với các những dự án đưa dầu mỏ về Trung Quốc, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc, tránh chịu tác động từ Mỹ.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa năm 2018, Mỹ đã tái trừng phạt Iran nhằm kiềm chế nước này từ bỏ việc theo đuổi chương trình hạt nhật, đồng thời thông qua đó kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc.

Việc giá dầu tăng trở lại (nếu lên 70 USD/thùng) không chỉ giúp Mỹ gây áp lực lên Iran mà còn cả Trung Quốc, trong khi có thể giúp các nhà sản xuất dầu khí đá phiến Mỹ có lãi và mở rộng sản xuất, đảm bảo sức mạnh năng lượng cho cường quốc số 1 thế giới, mang lợi ích cho ông Donald Trump và đảng Cộng hòa.

Trong vài năm gần đây, từ một nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng và có thể trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2020.

Vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia làm đồng minh (vốn đã ký thỏa thuận mua 400 tỷ USD hàng hóa mua gồm vũ khí của Mỹ trong chuyến ông Trump thăm hồi giữa năm 2017) chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ và Saudi Arabia sẽ tìm kiếm một giải pháp giữ giá dầu ở một mức cao hợp lý, vẫn đảm bảo lợi nhuận cũng như thị phần cho Saudi Arabia mà lại có lợi cho Mỹ.

Bên cạnh giá dầu, giới đầu tư hiện đang chờ đợi những thông quan trọng hơn, trong đó có những diễn biến hợp tác về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới, trong đó có cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất 25 điểm phần trăm. 

{keywords}
Dầu khí là một điểm yếu của Trung Quốc.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu tăng lên. Sáng 16/9, PBOC tăng tỷ giá trung tâm lên 7,0657 NDT đổi 1 USD, thay vì mức 7,0846 vào cuối tuần trước, và cao hơn khá nhiều so mức thấp kỷ lục 11 năm ghi nhận hôm 3/9 (7,0884 NDT đổi 1 USD).

Bắc Kinh gần đây có nhiều bước lùi trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc đã tuyên bố miễn thuế trừng phạt đậu tương và thịt lợn Mỹ như một động thái thiện chí cho cuộc đàm phán sắp tới cũng như để ổn định tình hình trong nước sau cú khủng hoảng dịch tả châu Phi. Đổi lại, ông Trump cho biết có thể có một thỏa thuận thương mại tạm thời đối với Bắc Kinh, thay vì một thỏa thuận tổng thể.

Dù vậy, một sự nhượng bộ nhỏ của ông Trump không có nghĩa chiến tranh thương mại sắp kết thúc bởi với những mẫu thuẫn lớn, theo nhiều chuyên gia, hiện khó có thể khẳng định đôi bên đã đạt được những giải pháp thực sự nào trong thực tế.

Các bên vẫn đang có những tính toán cho một cuộc chiến lâu dài phía trước. Mỹ vẫn tiếp tục dùng vũ khí thuế quan, bên cạnh đó là dầu khí và áp lực từ các liên minh của cường quốc này. Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác về nhiều lĩnh vực, trong đó có tiền tệ với Nga. Bắc Kinh cũng đang tính một đồng tiền số, để nâng cao vị thế của đồng NDT, thay cho đồng USD của Mỹ.

H. Linh