Nhà khuyến học thầm lặng

Một ngày mưa gió của năm 1985, căn nhà đổ nát phía trước nhà ông Hồ Đề (hiện 82 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị gió giật sập, xé rách tả tơi. Chỗ che nắng chắn mưa không còn, vợ chồng chủ nhà cùng 3 đứa con đứng khóc bên đường.

{keywords}
Ông Hồ Đề xem lại những ghi chép của mình về công việc giúp đỡ người nghèo trong cuốn sổ tay. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Ông Đề kể: “Đó là nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh. Thấy họ ôm nhau khóc, tôi thương lắm. Tôi đưa cả 5 người vào nhà, cho họ ở miễn phí suốt 30 năm qua”.

Đã thương thì thương cho trót. Thấy 3 con của bà Thanh vì nghèo khó không thể đến trường, ông Đề lại hỗ trợ để 3 đứa trẻ được đi học. Từ chỗ tương lai mờ mịt, dưới sự giúp sức của ông, 3 đứa trẻ lớn lên, được ăn học và đã có việc làm, có thể nuôi sống bản thân, cha mẹ.

5 năm sau, ông Đề nghe tin vợ chồng ông Nguyễn Thuận và 5 con bán vé số, ngủ ở gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự, Quận 10, TP.HCM. Bỏ qua mọi cản ngăn từ bạn bè, người thân, ông đến tận nơi, đưa gia đình ông Thuận về nhà.

Ông Thuận và vợ con ở miễn phí tại nhà ông Hồ Đề trong suốt 22 năm. Điều đáng nói, không chỉ được ở trọ miễn phí, các con ông Thuận cũng không phải lang thang bán vé số mưu sinh.

Mấy đứa bé nheo nhóc được ông Đề hỗ trợ đến trường, “học lấy cái chữ để ra đời không thua kém người ta”. Từ đó, căn nhà cấp 4 của ông không chỉ trở thành nhà trọ miễn phí cho người nghèo mà còn là nhà khuyến học.

Bởi, ông Đề mở rộng cửa nhà trọ, tiếp đón sinh viên từ nhiều miền đất nước đến tạm trú. Mỗi mùa thi, ông hăng hái tham gia các công tác khuyến học: tiếp sức mùa thi, nâng bước các sinh viên đến trường đại học, tạo điều kiện cho 25 sinh viên học thêm kỹ năng mềm như: Vi tính, Anh văn…

Đến nay, căn nhà trọ của ông đã trở thành điểm thuê trọ đáng mơ ước của các sinh viên. Hồ Thị Như Quỳnh, sinh viên trường Đại học Công nghiệp 4, cho biết: “Em có hoàn cảnh khó khăn nên được ông cho ở miễn phí. Ông còn cho tủ, cho vật dụng và dạy em học tiếng Anh, vi tính nữa”.

Để khuyến khích các em học sinh, sinh viên thuê trọ tích cực học tập, ông Đề tự bỏ tiền túi ra tài trợ cho nhiều sinh viên, học sinh nghèo. Ông tạo động lực học tập cho các em bằng cách treo giải thưởng cao cho học sinh, sinh viên giỏi, xuất sắc.

Trong 45 năm gắn bó với sự nghiệp khuyến học, ông Đề nhận được nhiều khen thưởng từ cấp phường, quận, thành phố cho đến Trung ương.

Làm di chúc để lại 2 căn nhà cho người nghèo thuê trọ

Ông Đề chia sẻ, ông phát tâm làm việc thiện, giúp người nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bởi ông cũng sinh ra trong nghèo khó. Thời của ông là thời “bát cơm sẻ nửa” nên hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi khó khăn, cực nhọc của người nghèo.

{keywords}
Ông Đề viết di chúc về việc để lại căn nhà cho người nghèo thuê trọ miễn phí. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Tôi bước đi từ quê nghèo nên hiểu, thương người nghèo lắm. Hạnh phúc của họ thì ít nhưng khó khăn lại chất chồng. Khi thấy có thể giúp họ rồi tôi cứ giúp hết sức hết lòng. Tôi đã hoàn tất di chúc để lại căn nhà thứ hai cho người nghèo ở trọ vào năm ngoái. Đây là điều tôi tâm đắc và hạnh phúc nhất”, ông Hồ Đề chia sẻ.

Nói xong, ông lật giở trong “kho tàng” hồ sơ, giấy tờ, giấy khen, bằng khen của mình, lấy ra 2 bản di chúc viết tay với nét chữ nghiêng nghiêng. Ông nói, để có thể hoàn tất các bản di chúc này, ông mất gần 20 năm thuyết phục bà xã.

Ông nói, lần đầu tiên ông “cãi vợ”, làm di chúc để lại nhà cho người nghèo ở trọ vào năm 2009. “Lần ấy, khi tôi ra lời, vợ tôi kịch liệt phản đối. Bà ấy đồng ý rằng làm từ thiện là tốt nhưng không đồng tình việc tôi để lại căn nhà cho người nghèo ở trọ. Bà ấy nói: “Mình có con trai, có con gái, có cháu ngoại, có cháu nội thì phải tập trung cho chúng”, ông Đề kể.

Bị can ngăn nhưng ông không buồn, không giận vợ. Ông nói rằng, suy cho cùng, người mẹ, người bà nào cũng đều muốn dành tất cả cho con, cho cháu của mình. Thế rồi, ông tìm cách thuyết phục vợ khi biết, trong sâu thẳm trái tim, bà cũng yêu thương người nghèo như mình.

Ông kể: “Tôi nói với bà ấy rằng, các con cả trai lẫn gái đều có cửa nhà riêng. Giàu không biết bao nhiêu là đủ, quan trọng là mình biết đủ, mình làm phước để có đức. Tôi nói vậy nhưng bà ấy vẫn giận lắm”.

Thế nhưng ông không từ bỏ ý định đầy nhân văn, vẫn miệt mài thuyết phục vợ. Suốt nhiều năm “làm công tác tư tưởng”, cuối cùng, ông cũng được cụ bà đồng ý, cho lập di chúc.

“Cãi vợ” thành công, năm 2019, ông tiếp tục làm bản di chúc thứ hai với nội dung tương tự bản di chúc lần đầu. Tuy nhiên, lần này, ông không còn phải tốn nhiều công sức thuyết phục gia đình nữa.

Vừa giới thiệu 2 bản di chúc, ông Đề vừa nói: “Trước đây, có người hỏi mua 2 căn nhà này với giá trên 10 tỷ đồng nhưng tôi quyết để lại giúp người nghèo. Hoàn tất 2 bản di chúc có thể nói, tôi thật sự mãn nguyện”.

“Tôi sẽ dành một căn cho người già neo đơn và học sinh - sinh viên nghèo ở miễn phí. Căn còn lại, tôi sẽ trích 40% thu nhập từ tiền cho thuê trọ giá rẻ để chăm lo cho công tác khuyến học”, ông Đề nói thêm.

Người thầm lặng mà cao cả

Với những việc làm đầy nhân văn, ông Hồ Đề được chính quyền địa phương tuyên dương “Người tốt việc tốt cấp quận”; được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng kỷ niệm chương.

Ông Đề cũng 7 lần được tuyên dương cấp thành phố. Ngoài ra, ông cũng được UBND TP.HCM tặng danh hiệu “Người thầm lặng mà cao cả”.


Chàng trai 22 năm làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo

Chàng trai 22 năm làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo

22 năm làm từ thiện, Thành Toàn cùng nhóm của mình xây dựng được 23 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo.

Nguyễn Sơn