“Sống ở với dân, chết cũng ở với dân”
Mấy ngày qua, người dân trong con ngõ nhỏ của thôn An Mỹ, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn xôn xao bởi hành động tự nguyện đập tường mở rộng ngõ của cụ Ngô Văn Đương (85 tuổi).
Bức tường cũ đã được thay bằng bức tường mới, kiên cố, phẳng phiu, nhích vào trong khoảng 40cm, để lộ khoảng trống khiến con ngõ nhỏ thông thoáng hơn.
Người dân xung quanh kháo nhau: “Nhờ cụ Đương thoáng tính nên mới được như thế. Trước đây chỗ này là nút cổ chai, hai chiếc xe đạp tránh nhau còn khó. Giờ thì cả xe ba bánh cũng chạy bon bon rồi”.
Từ ngày 8/1 trở về trước, đoạn đường ngang qua cổng nhà cụ Đương là nỗi khổ của người dân trong xóm. Con ngõ vốn đã nhỏ, đoạn này càng trở nên hẹp hơn bởi chiếc cột điện chình ình và phần cổng nhà đối diện nhô ra.
Với những gia đình nằm sâu trong ngõ, đặc biệt là những nhà có công trình xây dựng, đoạn đường này là một nỗi ám ảnh. Vì lối đi quá hẹp, họ phải dùng xe rùa chở nguyên vật liệu vào trong.
Thấy vậy, hội thanh niên trong xóm ngỏ lời với cụ Đương xin được đập bức tường cũ, xây bức tường mới nhích vào phần đất nhà cụ khoảng 40cm, để đoạn đường thông thoáng hơn.
Nghe vậy, cụ không suy nghĩ thiệt hơn, chỉ nói đúng một câu: “Sống ở với dân, chết cũng ở với dân. Vài chục phân đất, đáng là bao”.
Rồi cụ gọi cho người con gái cả, thông báo việc tự nguyện đập tường mở rộng ngõ. Được con gái ủng hộ, chính tay cụ cầm búa, đập bỏ những viên gạch đầu tiên.
“Phần việc sau đó, hội thanh niên xóm chung tay làm. Chỉ trong một ngày 8/1, họ đã xây xong bức tường mới, kiên cố, phẳng phiu hơn hẳn, con ngõ nhỏ cũng thông thoáng hơn”, cụ Đương kể.
Mỗi khi có người hỏi đến chuyện đập tường, hiến đất, cụ Đương chỉ cười xòa: “Đáng bao nhiêu đâu, có vài chục phân đất. Chỉ cần tiện cho làng xóm, tôi sẵn sàng làm”.
Bà Ngô Thị Luân (SN 1964) – con gái cả của cụ Đương nhiệt tình ủng hộ hành động đẹp của bố. “Vì dân vì xóm, mấy chục phân đất có sá gì. Sân nhà bố tôi cũng chỉ bỏ không, bố có lòng tốt như vậy, tôi rất phấn khởi”, bà Luân nói.
Cụ Đương có 3 người con, 2 gái và 1 trai. Cụ từng có 17 năm trong quân ngũ (1958-1974). Trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cụ nhiễm chất độc da cam, di truyền sang người con gái thứ hai.
Vợ cụ mất cách đây 3 năm, người con gái cả lấy chồng gần nhà, người con trai út sau khi lấy vợ cũng ra ở riêng. Hiện tại, cụ Đương sống cùng người con gái thứ 2 bị nhiễm chất độc da cam trong căn nhà nhỏ.
Hàng ngày, cụ nhờ người con gái cả đi chợ mua thức ăn, sau đó tự vào bếp nấu cơm phục vụ bản thân và người con thứ 2. Ở tuổi 85, cụ Đương vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, có thể tự chủ mọi sinh hoạt cá nhân.
Hoàn cảnh vất vả nhưng cụ Đương vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, sống vì gia đình, tập thể. Cụ luôn cố gắng để không trở thành gánh nặng cho con cái.
Truyền cảm hứng cho cả xóm
Anh Nguyễn Quốc Quân (SN 1982, trưởng thôn An Mỹ, xã Văn Hoàng) là người cảm nhận rõ hơn cả ý nghĩa cao đẹp, quý giá từ hành động hiến đất của cụ Đương.
Nhà anh Quân ở sâu trong ngõ, cách nhà cụ Đương khoảng 200m. Anh bắt đầu thi công xây nhà mới từ tháng 6/2024. Vì đoạn qua nhà cụ Đương quá hẹp, xe ba bánh không thể chạy qua, anh phải dùng xe rùa để chở vật liệu xây dựng từ đầu ngõ vào.
“6 tháng qua, tôi sút 10kg vì việc xây nhà. Từ đầu ngõ vào nhà tôi khoảng 400m, tôi phải dùng xe rùa chở từng viên gạch, bao cát, bao xi... để có cái mà xây dựng. Cực kỳ vất vả.
Khi biết cụ Đương đồng ý đập tường hiến đất mở rộng ngõ, tôi và bà con mừng lắm. Hành động này khiến cuộc sống của dân trong xóm dễ dàng hơn nhiều”, anh Quân nói.
Theo anh Quân, trước đây, đoạn ngang cổng nhà cụ Đương rộng khoảng 90cm. Sau khi cụ Đương hiến đất, đoạn đường đã rộng hơn, đủ để xe ba bánh chạy qua. Nhờ đó, việc đi lại của người dân trong xóm thuận tiện hơn nhiều.
“Thời buổi ‘tấc đất, tấc vàng’, chỉ 1-2 mét vuông đất cũng là cả vấn đề. Vậy mà cụ Đương sẵn sàng hy sinh một phần đất mở rộng xóm, tôi và mọi người rất cảm kích.
Thực ra, nhà tôi cũng xây xong rồi nhưng việc tốt của cụ còn giúp thêm bao gia đình khác nữa, không chỉ những nhà có công trình xây dựng mà còn những nhà có việc ma chay, cưới xin, rồi cả việc đi lại hàng ngày”, anh Quân chia sẻ.
Trưởng thôn An Mỹ cho biết thêm, hành động đẹp của cụ Đương đã truyền cảm hứng cho người dân trong xóm. Nhờ có cụ tiên phong, các gia đình lần lượt cam kết, khi xây nhà mới sẽ chủ động nhích vào trong, hiến đất mở rộng ngõ.
Anh Dũng (hàng xóm của cụ Đương) chia sẻ: “Gia đình cạnh nhà tôi chuẩn bị xây nhà, họ sẽ nhích vào trong để hiến đất cho xóm. Nhà tôi cũng vậy, nếu mai kia đập đi xây lại, tôi sẵn sàng hiến vài mét vuông đất để ngõ xóm thông thoáng hơn”.
Ảnh: NVCC