Người già thành con trẻ
Sinh ra ở Huế nhưng cụ Thiều lấy vợ xa quê. Năm 1954 cụ tập kết ra Bắc. Trên đường đi, cụ gặp và làm quen người con gái tên Bùi Thị Diệu (quê Hà Tĩnh). Một thời gian sau họ sinh được 4 người con. Cụ Thiều lên đường đi kháng chiến, vợ và con ra Nghệ An công tác và sống ở đó. Riêng người con gái út là chị Hồ Thị Thư (sinh năm 1974) quay vào Huế lập nghiệp.
Đây là lần đầu tiên cụ Thiều được tổ chức sinh nhật. Vì cuộc sống mưu sinh, cùng hoàn cảnh một chốn ba quê khiến gia đình, con cái ít khi có cơ hội tụ họp đầy đủ. Giờ đây, khi biết thời gian của cha không còn nhiều, con cháu đã làm bữa tiệc nhỏ để lưu lại những khoảnh khắc thú vị.
Dù qua mốc tuổi xưa nay hiếm, nhưng ánh mắt người lính đã đi qua 2 cuộc chiến vẫn tinh anh trên gương mặt vị thiếu tá về hưu. Tuy nhiên tuổi tác và ảnh hưởng của chất độc da cam đã lấy đi sức khỏe và trí nhớ của cụ. Cách đây 2 năm, cụ Thiều bị tai biến nặng, chị Thư đã đưa ba vào Huế để tiện đi bệnh viện và chăm sóc.
Ngày ngủ, đêm thức, nửa đêm đòi đi chơi đã thành thành thói quen sinh hoạt của cụ. Không được đi, cụ la hét, đập cửa và khóc. Gia đình buôn bán nên nhiều khi khách đến mua hàng đã bị cụ đuổi đi. Cụ nghĩ họ tới nhà mình ăn trộm. “Báu vật” cụ ông luôn cất giữ bên mình là chiếc túi có dây rút đựng tiền. Chẳng còn ý thức được mệnh giá của từng tờ tiền, cụ chỉ cần cái túi luôn đầy và luôn đeo trên cổ là được.
100 tuổi, cụ Thiều vẫn sợ ma, sợ công an, sợ bác sĩ và nhất là sợ... chết. Phòng ngủ sát phòng con gái nhưng cụ không dám ngủ một mình. Đêm nào, vợ chồng cùng con gái lớn của chị Thư cũng thay nhau vào nằm bên cạnh. Có như vậy, cụ mới yên tâm và không trốn ra ngoài.
Con gái chăm cha chưa đêm nào đủ giấc
“Chăm người già đã vất vả, người già mắc bệnh thì vất vả gấp trăm lần.Thời gian với ba mẹ mình giờ chỉ dám tính ngày, tính tháng. Bởi thế đút cho cha được muỗng cháo, nhổ cho mẹ dăm ba sợi tóc bạc đã là hạnh phúc”, chị Thư chia sẻ.
Từ ngày cụ Thiều bị tai biến, chưa có đêm nào chị Thư ngủ đủ giấc. Nếu không bị tiếng la hét, đập cửa của cha làm tan giấc ngủ, thì cũng là tiếng khóc thút thít rồi nói chuyện một mình giữa đêm khuya của cụ Thiều. Chị kể: “Lắm lúc chỉ thèm có giấc ngủ thật sâu, bởi chẳng giấc nào được trên 2 tiếng. Trong giấc ngủ tôi luôn giật mình vì sợ ba đi mất”.
Trung bình cứ 3 đêm la hét mới có 1 đêm cụ Thiều ngủ yên. Bởi thế chị Thư phải cố gắng sắp xếp công việc của mình để chăm sóc ba. Thay vì đến công ty làm việc, chị xin làm việc ở nhà, rồi mở quán cà phê nho nhỏ để vừa tiện ngó chừng ba vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Áp lực mưu sinh khi con cái đang tuổi ăn tuổi học, sức khỏe chồng không được tốt, nhiều lúc chị Thư rơi vào trạng thái stress nặng. Nhưng rồi chị tự cân bằng cảm xúc, lấy vất vả làm niềm vui. Chị trân trọng khoảng thời gian quý giá khi được chăm sóc người mình thương quý.
Được con gái chăm sóc kỹ lưỡng nên da dẻ cụ Thiều hồng hào. Căn phòng và áo quần cụ lúc nào cũng thoảng thoảng mùi thơm. Chị Thư tâm sự: “Ba mình sạch lắm. Chỉ cần chê hôi thì trời lạnh mấy ông cũng đòi đi tắm”.
Không chỉ sạch sẽ, cụ còn rất khảnh ăn. Con gái nấu phải ngon, món ăn không lặp lại trong ngày cụ mới chịu nuốt.
Ngày 5 - 6 bữa, chị Thư tự nấu bún, cháo, phở… để ba ăn "êm bụng". Hiếm khi chị mua thức ăn ngoài. Chị còn tỉ mẩn gói từng chiếc bánh nậm để ba ăn bữa lỡ, gỡ từng thớ cá vì sợ ba mắc xương. Chị nói vui: “Chăm cha còn hơn chăm con nít”.
Hiện tại, cụ ông ở với gia đình chị Thư. Còn cụ bà 91 tuổi đang ở Nghệ An. Cha mẹ đã ở độ xế chiều, chẳng cần phân bì ai vất vả hơn ai, miễn còn được nghe tiếng nói tiếng cười, kể cả tiếng la hét của cha già giữa đêm, đại gia đình chị Thư vẫn thấy hạnh phúc.
Theo Báo Phụ nữ TP.HCM