Cuối năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, Bắt giữ người trái pháp luật, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 9 bị can liên quan Công ty Tài chính Nam Long.

Nam Long là băng "tín dụng đen" lớn nhất cả nước với 26 chi nhánh, hoạt động tại các tỉnh, thành.

Khủng bố khách, ép nhân viên tự chặt ngón tay

Đến thời điểm bị phát hiện, Nam Long đã buộc hàng trăm khách hàng ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất cao ngất ngưởng. Kiểm tra sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Tài Chính Nam Long, cảnh sát phát hiện số tiền giao dịch của hơn 200 khách hàng lên hơn 510 tỷ đồng.

{keywords}
Các thủ đoạn của Nam Long. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo hồ sơ, với hình thức vay trả góp kỳ hạn 41 hoặc 51 ngày, Nam Long áp dụng mức lãi suất có thể lên đến 172-205% mỗi năm. Trường hợp nạn nhân vay nóng ngắn ngày phải chịu mức "lãi đứng" 15-30%/ngày. Số tiền cả gốc và lãi trên, họ yêu cầu khi đến kỳ, khách hàng phải tự chuyển vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu khách chưa kịp trả, những kẻ cầm đầu chỉ đạo cho “đội xử lý nợ xấu” đến đòi.

Đội này sẽ gọi điện cho khách đe dọa, sau đó có từ 2 đến 4 tên côn đồ đến tận nhà đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép.

Nếu vẫn không đòi được, nhóm này tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng và đe dọa sẽ hành hung. Trước sự hung hãn, côn đồ của tổ chức này, nhiều khách hàng sợ hãi buộc phải trả nợ khẩn cấp.

Với nhân viên, tổ chức này lập quy định nội bộ, quy chế kỷ luật nghiêm như phạt 50-100 triệu đồng nếu phá vỡ hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.

Cử nhân Luật

Trong số 9 bị can cầm đầu, Nguyễn Đức Thành (31 tuổi, Giám đốc Công ty tài chính Nam Long), bị khởi tố 2 hành vi là Cố ý gây thương tích và Cho vay lãi nặng.

Theo cơ quan điều tra, Thành có hồ sơ “khá sạch”, chưa từng có tiền án, tiền sự. Anh ta quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương, từng tốt nghiệp Đại học Luật nên rất am hiểu pháp luật và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

{keywords}
Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Quỳnh An.

Vốn có thời gian sống ở Hải Phòng, Thành quen biết với Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, quê Kiến An, Hải Phòng) và nhiều kẻ có máu mặt ở đất Cảng. Sau đó, Thành vào TP.HCM làm ăn, gặp lại Thắng nên bàn nhau góp vốn.

Anh ta lập ra Công ty tài chính Nam Long, đặt trụ sở tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Công ty này có 26 chi nhánh ở hàng chục tỉnh, thành nhưng các chi nhánh đều được mở dưới danh nghĩa Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Nam.

Theo thỏa thuận, ban đầu, Thắng và Thành mỗi người góp 1 tỷ đồng để cho vay nặng lãi, lấy tiền chia nhau. Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi.

Công ty tài chính Nam Long hoạt động từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2017 thì tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh. Thành yêu cầu Thắng chuyển thêm 1 tỷ đồng nữa để góp vốn, đồng thời giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong làm kế toán, quản lý chi tiêu.

Với vai trò là kế toán, Phong có trách nhiệm mở tài khoản để cung cấp cho khách hàng, giữ số điện thoại “hotline” để khách hàng liên hệ trả nợ hoặc trực tiếp rút tiền giao cho Thành và Thắng. Hắn cũng có nhiệm vụ theo dõi quản lý hợp đồng vay của khách hàng, quá trình nộp tiền của khách, gọi điện thoại nhắc nợ.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết mô hình Công ty tài chính Nam Long rất bài bản, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến giám đốc, hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng.

“Kẻ cầm đầu đều có bằng đại học và học đúng chuyên ngành nên phương thức, thủ đoạn, tần suất quản trị hệ thống tín dụng đen trên cả nước rất bài bản. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng đây là tổ chức tín dụng đàng hoàng nên đăng ký vay”, đại tá Oanh nói.

Tại cơ quan điều tra, Thành thừa nhận mình là Giám đốc Công ty Nam Long và việc mở 26 chi nhánh là do anh ta thành lập. Thành cho rằng "việc đưa ra các luật lệ hà khắc với nhân viên nhằm để giữ uy tín cho công ty và khiến những nhân viên khác không dám vi phạm".

(Theo Zing)